Nâng cao văn hóa đọc
Với mục đích nhân rộng thói quen đọc sách, giúp các em được tiếp cận với nguồn tri thức để tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ bản thân, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với Hoa hậu H’Hen Niê tài trợ lắp đặt cho học sinh điểm trường bản Sân Bay, trường Tiểu học xã Phúc Than, huyện Than Uyên một thư viện thân thiện.
Thầy Phan Bá Đại - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đón nhận thư viện từ tháng 6/2022. Thư viện được bao quanh bởi khung thùng container nên rất chắc chắn. Hệ thống điện, quạt hoạt động rất tốt, giúp học sinh thoải mái khi học tập, sinh hoạt tại thư viện”.
Theo thầy Đại, điểm trường Sân Bay nhận thư viện container vào thời điểm học sinh đang nghỉ hè. Bởi đó, thư viện mới chính thức vào vận hành từ tháng 9. Ở đây gồm 6 kệ sách truyện, 6 bàn đọc với 366 đầu sách và 1.555 cuốn.
Thư viện được Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với Hoa hậu H’Hen Niê tài trợ. |
Đến thăm điểm trường Sân Bay khi nhà trường đang phát động ngày quyên góp sách ủng hộ thư viện, chúng tôi được thầy Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng, phụ trách điểm trường cho biết: “Mô hình Thư viện thân thiện có mục tiêu giúp học sinh hình thành, phát triển thói quen, kỹ năng đọc. Mô hình tập trung xây dựng và triển khai quy trình thiết lập Thư viện thân thiện; tổ chức các hoạt động đọc, khuyến khích nhằm xây dựng văn hóa đọc ở nhà trường, gia đình và cộng đồng”.
Theo đó, Thư viện được sắp xếp thân thiện để học sinh tiếp cận sách dễ dàng. Sách được phân loại theo trình độ đọc của từng lứa tuổi, dán mã màu và đưa lên kệ có màu tương ứng.
Chăm chú chọn sách trên kệ, em Lò Kiều Như - học sinh lớp 4 chia sẻ: “Em thích nhất là truyện cổ tích. Vào giờ ra chơi, em thường rủ bạn vào thư viện tìm đọc. Ở thư viện, em còn được vẽ tranh nhân vật mà mình yêu thích”.
“Mỗi tuần, nhà trường tổ chức cho các lớp có 1 tiết học tại thư viện. Qua các tiết học, giúp các em phát triển và nhân rộng thói quen, kỹ năng đọc. Từ đó, giúp các em được tiếp cận với nguồn tri thức để nâng cao trình độ bản thân, tích cực rèn luyện, trở thành những công dân có ích trong tương lai” - thầy Phan Bá Đại cho biết.
Giáo dục sẻ chia yêu thương
Năm học này, trường Tiểu học xã Phúc Than có 1.288 học sinh, 48 lớp học tại 7 điểm trường. Theo thầy Phan Bá Đại, hàng năm, nhà trường luôn chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua hoạt động trên lớp và ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt, nhà trường luôn giáo dục các em lòng nhân ái thông qua các hoạt động sẻ chia, hướng thiện.
Trường Tiểu học Phúc Than luôn hướng học sinh đến các hoạt động sẻ chia, hướng thiện. |
“Thông qua việc tổ chức thăm hỏi gia đình hoàn cảnh khó khăn, thương binh liệt sĩ, có công với cách mạng… Chúng tôi định hướng cho các em những hành vi ứng xử văn hóa, có tình người. Qua đó, các em biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè” – thầy Đại cho biết.
Cũng theo thầy Đại, mục đích của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là để giúp các em có những kĩ năng sống cần thiết cho bản thân. Qua đó, các em sống hòa nhập trong xã hội, biết tự trọng, tôn trọng mọi người và có cách ứng xử, giao tiếp phù hợp với những người xung quanh.
Đồng thời, nhà trường hướng các em đến các quy chuẩn, quy định của pháp luật. Từ việc hiểu và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên để lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến gia đình, cộng đồng.
Tiết học tại thư viện thân thiện của học sinh trường Tiểu học Phúc Than. |
Theo thầy Phạm Văn Bổng, nhà trường được trao thư viện thân thiện chính là kết quả của hoạt động thiện nguyện. Chính vì thế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hình thành văn hóa đọc, nhà trường còn hướng các em đến với những hoạt động thiện nguyện. Từ đó, giáo dục các em biết yêu thương, chia sẻ ngay chính trong tiết học tại thư viện.
Tiết học tại thư viện có 4 hình thức gồm: Đọc cho nhau nghe, cùng đọc, đọc cặp đôi và tự đọc.
“Bằng những hình thức đọc đa dạng, chúng tôi rèn cho các em tính độc lập và việc đoàn kết, phối hợp với nhau trong cách đọc, tiếp cận sách. Cùng với đó, học sinh được thoái mái chia sẻ cảm nhận những vấn đề, nhân vật mà các em đọc được. Qua đó, giáo viên định hướng cái đúng, sai, góp phần hình thành nhân cách cho học sinh” – thầy Bổng nói.
Từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập “nhóm nòng cốt” gồm 6 học sinh để giám sát trong quá trình hoạt động tại thư viện ngoài giờ lên lớp. Cùng với đó, nhà trường dán thêm bảng thông báo lịch hoạt động, nội quy tại thư viện.
“Với việc phát huy vai trò của “nhóm nòng cốt”, chúng tôi nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính học sinh trong bảo quản, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả đồ dùng được trao tặng. Đó cũng là một cách giáo dục đạo đức, lối sống cho các em” – thầy Phạm Văn Bổng nói.