Những cuốn sách, tài liệu trong thư viện có thể đưa con trẻ đến những vùng đất mới và gặp gỡ những con người mới, có những kiến thức và niềm vui mới trong ngày hè.
“Làm sống lại” văn hóa đọc
Trong những ngày hè này, để phục vụ nhu cầu đọc sách của thiếu nhi, nhiều thư viện đã lên kế hoạch với nhiều cách thức tổ chức đọc, mượn sách cho các em. Tại Hà Nội, một trong những thư viện được nhiều người cho con đến dịp hè đó là Thư viện Hà Nội.
Chị Lê Thu Huyền, giáo viên Học viện cán bộ dân tộc, cho biết: “Hè năm trước, tôi bận đi làm, không biết gửi con ở đâu, nên đưa tới thư viện để con đọc sách vài hôm rồi tính cách khác. Không ngờ con trai lại rất thích vì có nhiều truyện hay, lại được các cô thủ thư tổ chức trò chơi, thi kể chuyện. Hè năm nay, tôi cũng sẽ đưa con tới đây vài tuần rồi sẽ thu xếp để mẹ con cùng về quê thăm ông bà”.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Phục vụ thiếu nhi cho biết, trong những năm gần đây, các hoạt động của phòng đọc đã có nhiều khởi sắc. Vào dịp hè, có ngày Phòng Phục vụ thiếu nhi lên tới 400 bạn đọc. Ngoài cơ sở vật chất và vốn sách thiếu nhi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, phòng đọc không ngừng tăng cường các nội dung hoạt động bằng nhiều hình thức phục vụ đa dạng, phong phú, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm thu hút các em đến với thư viện, hướng các em đến với việc đọc sách một cách chủ động và tích cực.
Đặc biệt, Thư viện Hà Nội đã xây dựng mô hình thư viện lưu động cho các em thiếu nhi với dự án “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức”. Hằng tuần, cán bộ thư viện xuống những điểm phục vụ và tổ chức hoạt động cho các em như đọc sách, kể chuyện, hướng dẫn sử dụng máy vi tính, các trò chơi mang tính giáo dục.
Sự bùng nổ của các loại hình thông tin điện tử, trực tuyến như Internet, truyền hình, sách online… đang làm thay đổi văn hóa đọc của độc giả. Tuy nhiên, trước thực trạng đáng lo ngại như hiện nay thì đổi mới một cách toàn diện hoạt động của các thư viện là một việc làm mang tính cấp thiết. Các thư viện cần phải chú trọng nâng cao chất lượng trên mọi phương diện, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Có thể khẳng định, hoạt động hiệu quả của các thư viện trên địa bàn Thủ đô đã góp phần không nhỏ trong việc “làm sống lại” văn hóa đọc.
Giúp trẻ kết thân với người bạn sách
Lâu nay, nghỉ hè đồng nghĩa với việc các trường học đóng cửa, thư viện trường học cũng im lìm, trong khi đó HS, nhất là trẻ em luôn thiếu sân chơi. Chính vì vậy, không ít bậc phụ huynh “đau đầu”, loay hoay tìm khu vui chơi cho con mỗi khi mùa hè đến.
Cô giáo Nguyễn Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội), cho rằng, mỗi một cuốn sách sẽ mở ra một chân trời mới. Sách là người thầy sáng suốt giúp các em có được những bài học bổ ích về cuộc sống. Đến với sách, các em sẽ được mở mang trí tuệ, sẽ được chia sẻ và cảm thông với nhiều số phận, sẽ cảm nhận cuộc sống tốt hơn, từ đó dần dần các em sẽ hình thành văn hoá đọc.
Theo cô Hòa, sân chơi của học sinh hiện nay vẫn còn thiếu, do đó chỉ cần một tuần một lần thư viện của nhà trường mở cửa cho học sinh mượn sách trong dịp hè sẽ góp phần hướng các em đến một kỳ nghỉ hè bổ ích. Các em sẽ có được cơ hội ôn tập, nâng cao mở rộng không chỉ những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn ở các lĩnh vực khác. Đồng thời thông qua hoạt động đọc sách báo, học sinh sẽ xa rời các trò chơi, tệ nạn xã hội không lành mạnh khác.