Tổ chức này dự định đưa hàng triệu bài viết từ Wikipedia và thư viện số bao gồm 1.500 ngôn ngữ lên Mặt trăng. Tất cả được ghi trên các sợi kim loại, mỏng manh hơn sợi tóc con người.
Mục đích của tổ chức này là “quảng bá” các thành tựu của nền văn minh Trái đất, sao cho chúng có thể tồn tại ngoài hành tinh chúng ta.
“Thư viện nhân loại”, bao gồm nghệ thuật, ngôn ngữ, lịch sử… được gửi đến nơi mà loài người dự định vươn tới, để phòng trường hợp khi thiên tai xảy ra trên Trái đất thì những gì nhân loại tạo ra không bị mất đi. Những thiết bị ghi dữ liệu sẽ tồn tại hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm trong vũ trụ và có thể được một nền văn minh tương lai tìm thấy. Hướng hợp lý đầu tiên mà The Arch Mission nhắm tới, chính là Mặt trăng.
Thư viện số hóa sẽ lên Mặt trăng cùng robot do Công ty khởi nghiệp Astrotobic phát triển. Cụ thể, sau năm 2020, The Arch Mission dự định gửi lên Mặt trăng thiết bị đổ bộ có tên là Peregrine, trong đó có chứa phiên bản Wikipedia số hóa.
Bản Wikipedia số hóa và các dữ liệu khác được ghi trên những sợi niken có bề dày 1,7 cm.
Niken là kim loại không dễ bị rỉ, trơ với oxy và bức xạ vũ trụ, có thể tồn tại rất lâu trong vũ trụ.
Đây không phải là lần đầu tiên The Arch Mission thực hiện phi vụ như vậy. Vào tháng 2 năm nay, khi SpaceX phóng tên lửa khổng lồ Falcon Heavy cùng chiếc xe Tesla Roadster, tổ chức này đã thuyết phục nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk để đặt một chiếc đĩa đặc biệt, làm từ thạch anh, ghi ba tập tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Foundation” của nhà văn Mỹ gốc Nga Isaac Asimov.
The Arch Mission đã tạo ra vài ba chiếc đĩa như vậy, với đường kính khoảng 9,5 cm và có dung lượng 360 TB.
Hiện tại, Tổ chức The Arch Mission dự định chuẩn bị nhiều đĩa dữ liệu hơn nữa và mở rộng thư viện Mặt trăng trong tương lai.