Thư viện Hồng Châu - nơi lan tỏa văn hóa đọc

GD&TĐ - “Tôi yêu sách và muốn chia sẻ tình yêu ấy với nhiều người. Như một câu thơ, “mong con người sống nhân từ cùng nhau” (trong tập thơ “Cùng nhau nhân từ” – PV), thì việc chia sẻ tri thức, cùng nhau đọc sách, tôi nghĩ cũng góp phần tôn bồi, gieo mầm thiện sẵn có trong mỗi người” - Nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện tâm sự.

Chia sẻ niềm vui đọc sách cùng các cháu học sinh
Chia sẻ niềm vui đọc sách cùng các cháu học sinh

Từ ý tưởng ấy, cùng những ấp ủ bấy lâu, ngày 5/8/2018 Thư viện Hồng Châu đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành một trong những thư viện cộng đồng hiệu quả cho bạn đọc địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Túi khôn của nhân loại

Vốn thích đọc sách lại yêu văn chương, mong muốn theo đuổi nghiệp chữ nghĩa, vượt lên những gian khó của hoàn cảnh, năm 2007, khi bước sang tuổi 24, chàng trai quê xứ nhãn (Hưng Yên) Khúc Hồng Thiện mới thi đại học và đỗ vào Trường Viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa Hà Nội).

Ra trường anh về công tác tại Báo Nhân Dân. Cái nghèo và nghị lực vượt khó vươn lên từ chữ nghĩa đã khiến Thiện ấp ủ mong muốn mọi người dân, nhất là các bạn trẻ được tiếp cận với sách, được đọc và đọc thật nhiều vì “sách là túi khôn của nhân loại”.

Ý tưởng mở thư viện cũng nung nấu từ những năm tháng nhọc nhằn ấy cùng với sự động viên của người vợ hiền. Thiện đã giữ gìn, tích lũy được nhiều sách vở, cả mua và được bạn bè tặng, sẵn căn nhà nhỏ nằm trên mảnh vườn quê, sửa sang làm thư viện.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 5/8/2018, Thư viện Hồng Châu chính thức mở cửa. Thiện nhớ lại: Gọi là “mở cửa” thôi, chứ hôm đó trời mưa, tôi từ Hà Nội chở thêm sách về, ướt lướt thướt thì gặp các cháu nhỏ, một số học sinh ở quê đã đến nhà đợi để đón sách, vậy là tôi cho mượn luôn. Từ đó, cứ mỗi Chủ nhật hàng tuần, thư viện đều đặn mở cửa cho bạn đọc đến mượn sách. Mỗi ngày thư viện lại được biết đến nhiều hơn, cả người đọc và người hiến tặng sách.

Văn hóa đọc rõ ràng đang bị lấn lướt bởi nhiều loại hình giải trí, tiếp cận thông tin khác thời công nghệ. Nhưng qua tìm hiểu, nắm bắt thực trạng, biết ở quê mình và cả ở nhiều nơi nhu cầu đọc sách vẫn cao, nhất là lứa tuổi học sinh.

Thư viện được lập ra hoàn toàn miễn phí cho bạn đọc, cái vui và lãi nhất là việc khuyến khích các bạn trẻ ở quê anh, dứt được khỏi sự lệ thuộc vào smartphone, mạng xã hội và những trò chơi điện tử vô bổ...

“Nếu thư viện được mở ra dù ít người đọc thôi cũng là quý rồi, may sao lại đông đấy!” – Thiện cười hồn hậu khi chia sẻ kinh nghiệm làm thư viện với bạn bè.

Lan tỏa văn hoá đọc

Các cháu học sinh đến thư viện sau giờ học .
Các cháu học sinh đến thư viện sau giờ học .

Số đầu sách mà Thư viện Hồng Châu hiện có là hơn 7.000 cuốn thuộc nhiều lĩnh vực, thể loại, trong đó có nhiều tư liệu thuộc loại quý hiếm, là quà tặng của bạn bè từ Nam chí Bắc... Đó là những cuốn sách hiếm hoi còn lại của gia đình nhà thơ, dịch giả Khương Hữu Dụng.

Bà Khương Băng Kính, con gái nhà thơ Khương Hữu Dụng, khi trao tặng những bản sách này đã viết lời đề tặng gửi gắm Thư viện giữ gìn và khai thác hiệu quả. N

hà nghiên cứu, nhà báo, TS Ngô Vương Anh đã tặng Thư viện một số tài liệu về chủ quyền biển đảo. Đặc biệt là tấm bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” do giám mục Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Đây là một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ 19, một trong những bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thậm chí, có nhà thơ, nhà văn ở Hà Nội còn tin yêu Thiện mà hứa rằng “sau này khi ông mất đi sẽ hiến tặng Thư viện Hồng Châu toàn bộ tác phẩm và tủ sách gia đình”…

Lời của Francis Bacon - triết gia người Anh với câu nói: “Đọc sách làm cho con người đầy đủ, luận đàm tạo thành con người sẵn sàng và viết lách tạo thành con người đúng đắn” là động lực lớn để Khúc Hồng Thiện lan tỏa văn hóa đọc. Tất cả những cuốn sách, tài liệu ở Thư viện đều đang được đông đảo bạn đọc mượn, đông nhất là học sinh, rồi cả những bác nông dân và giáo viên, sinh viên khu vực lân cận cũng tìm đến.

Thành công ở Thư viện Hồng Châu của Khúc Hồng Thiện cũng đã khiến những người bạn thân thiết của anh ở nhiều nơi khác nảy ý làm tủ sách, thư viện để góp phần lan tỏa văn hoá đọc, đây cũng là điều Thiện mong muốn và anh luôn sẵn lòng chia sẻ những đầu sách cho các thư viện bạn.

Anh luôn tâm niệm rằng, sách là một thế giới rộng lớn mà mỗi trang sách, mỗi bước chân đi lại mở ra một chân trời mới. Thế giới ấy có thể là tri thức hay những tấm lòng và nhân cách cao đẹp. Thế nên ở Thư viện Hồng Châu luôn rộng cửa chào đón tất cả bạn đọc tại chỗ và mượn về nhà, cả buổi tối và ngày Chủ nhật hàng tuần.

Thiện luôn nhắn gửi bạn đọc của mình: “Sách là túi khôn của nhân loại, mà ở Thư viện Hồng Châu thì có rất nhiều sách hay, được chọn lọc từ mọi lĩnh vực. Các bạn đọc cứ việc đến mà khám phá túi khôn này nhé...  Nào, các bạn học sinh cứ việc đến mượn sách, chịu khó đọc, học thật giỏi và vui, những việc khác chúng tôi lo!”, Thiện mỉm cười, trong khi lũ trẻ đang í ới gọi nhau tìm sách.

Ở Thư viện Hồng Châu (thôn Hoàng Lê, xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên), trong năm 2019 này, Khúc Hồng Thiện đang tiếp tục thi công một số hạng mục cả nội ngoại thất; kiểm kê, phân loại, sắp xếp lại các danh mục để hướng tới một thư viện tinh hoa cho cộng đồng, đặc biệt dành cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên trong và ngoài khu vực... Có không ít câu hỏi dành cho anh, Thiện cười vui, đáp lời: “Nhà cháu đơn giản chỉ thấy yêu sách, trân trọng những người đọc sách, được gia đình và bạn bè khích lệ nên làm Thư viện”. Tiền đâu mà làm? “Cũng đơn giản thôi ạ, nếu cuộc sống giản tiện đi nhiều nhu cầu vật chất, và ơn giời cho khỏe mạnh, có người thân và bạn bè bên cạnh thì làm được, và mong là còn làm được nhiều hơn thế”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.