Những tín hiệu tích cực
Một lượng lớn người có mặt trong Hội sách ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhân Ngày sách Việt Nam vừa qua là học sinh, sinh viên, có thể coi là một tín hiệu đáng mừng về sự quay trở lại với đam mê đọc sách của một bộ phận người trẻ.
Ngoài việc sắm những cuốn sách phù hợp độ tuổi, có rất nhiều bạn trẻ chọn trở thành chủ sở hữu những cuốn sách quý như “Bố già”, “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”....
"Không quan trọng chúng ta đọc gì, mà quan trọng là sau khi đọc, chúng ta đọng lại được những gì". Sách - ngoài việc cung cấp kiến thức còn một chức năng khác, đó là giải trí.
Bởi vậy, những người trẻ lựa chọn sách hợp với lứa tuổi là điều dễ hiểu và không thể vì thế mà đánh giá rằng văn hóa đọc của họ đang trở nên “xuống cấp”.
Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ thờ ơ với sách, một phần bởi sự thiếu định hướng nhu cầu nắm bắt kiến thức của chính họ. Cùng với đó là vấn đề kiểm duyệt in ấn sách còn chưa hoàn toàn chặt chẽ, nhiều kẽ hở, chạy theo thị trường... khiến chất lượng nội dung khó thuyết phục người trẻ tìm đọc.
Đa dạng môi trường cho văn hóa đọc phát huy
Để khắc phục thực trạng trên, trước tiên cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục văn hóa đọc trong nhà trường. Chính những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn đã có những điểm khác so với suy nghĩ của người trẻ, cần được chú trọng từ phương pháp giảng dạy để bài giảng trở nên lôi cuốn hơn, không còn máy móc khô khan dẫn đến tình trạng học đối phó, học chỉ để thi của học sinh.
Bên cạnh đó, việc rèn thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Người lớn cần khuyến khích và định hướng con trẻ ngay từ nhỏ để tạo cho con niềm đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc.
Mỗi người cần phải ý thức tự hình thành thói quen đọc, lấy phương tiện nghe nhìn để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, khơi dậy đam mê đọc sách, từ đó hiểu hơn về lợi ích của việc đọc sách.
Trong quá trình giao lưu và tiếp thu văn hoá, cần phải ngăn lại sự xâm nhập ồ ạt của những hiện tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, siết chặt kiểm duyệt bằng những chế tài xử phạt nghiêm khắc để “hòa nhập chứ không hòa tan”.
Với mỗi cá nhân, văn hóa đọc chính là tập hợp các kĩ năng đọc sách của họ. Để nâng cao kĩ năng đó, mỗi người cần lựa chọn đề tài sách phù hợp với bản thân, định hướng tài liệu cần tham khảo, từ đó vận dụng được những kiến thức từ sách vào thực tế cuộc sống.