Thư viện '3 không' ở Hà Nội

GD&TĐ - D Free Book bắt đầu hành trình mang tri thức, sự tử tế của mình đến với cộng đồng với hơn 200 đầu sách, chủ yếu do anh Bình và bạn bè đóng góp.

Thư viện cộng đồng D Free Book với tiêu chí '3 không'.
Thư viện cộng đồng D Free Book với tiêu chí '3 không'.

Nằm trong con hẻm nhỏ thuộc Khu tập thể A5 (ngõ 128C, phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có thư viện nhỏ được một cựu sinh viên Đại học Bách khoa và các cộng tác viên cùng nhau vận hành. Họ cùng chung mong muốn thay đổi nhận thức của nhiều người, lan tỏa văn hóa đọc và những điều tử tế đến cộng đồng.

Coi trọng văn hóa đọc

Thời đại công nghệ bùng nổ, Internet và các nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến, dần trở thành một phần không thể thiếu và chi phối mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt của mỗi người.

Thực tế, hiện nay khi muốn có thêm thông tin, mọi người thường có xu hướng tìm kiếm trên những trang thông tin điện tử thay vì tra cứu bằng sách, báo. Chính vì vậy, thói quen đọc sách vốn dĩ không được coi trọng càng khiến nhiều người coi nhẹ.

Đỗ Hồng Minh (21 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân thường ưu tiên tra cứu thông tin trên mạng vì tính chất nhanh, cô đọng. “Hiện nay, những thông tin trên các nền tảng mạng xã hội được tạo và chia sẻ dưới dạng video ngắn dễ tiếp thu, thú vị hấp dẫn hơn nhiều so với đọc sách.

Đôi khi khối lượng thông tin mà những cuốn sách cung cấp quá lớn, sẽ phải có thời gian chọn lọc, tiếp cận. Tuy nhiên nếu có thời gian rảnh thì em vẫn sẽ đọc sách”, Hồng Minh bày tỏ.

Anh Hoàng Ngọc Hà (30 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận bản thân đã 4 năm nay không đọc một cuốn sách nào. Lý giải cho việc này, anh Hà chia sẻ rằng, công việc rất bận rộn, thường xuyên phải làm thêm giờ để tăng thu nhập. Vì quỹ thời gian rảnh của cá nhân rất ít, anh ưu tiên nghỉ ngơi và xem phim để thư giãn thay vì đọc sách.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong tốp đầu những quốc gia có số người dùng Internet cao trên thế giới.

Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường với câu hỏi: Bạn sử dụng thời gian rảnh để làm gì là chủ yếu? Có tới 41,7% số bạn trẻ sử dụng thời gian để lướt các trang web, mạng xã hội; 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Trong một khảo sát đối với sinh viên TPHCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26,37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15% cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.

Những con số trên đã cho thấy một thực trạng rất đáng báo động về văn hóa đọc ở thế hệ trẻ. Thực tế, trong thời đại 4.0 hiện nay, văn hóa đọc của cộng đồng đang ngày càng bị mai một và bị lấn át bởi văn hóa nghe, nhìn.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau 8 năm thực hiện, Ngày Sách Việt Nam được đổi tên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Đổi tên như trên vừa mang tính kế thừa, lại vừa mang những nội hàm mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc bên cạnh khuyến khích, tôn vinh việc đọc sách.

thu vien 3 khong giua long ha noi (2).jpg
Cộng tác viên tại thư viện là các bạn sinh viên có niềm đam mê đọc sách.
thu vien 3 khong giua long ha noi (3).jpg
Những bức ảnh ghi lại các mốc lịch sử và phát triển của D Free Book.
thu vien 3 khong giua long ha noi (4).jpg
Lời nhắn nhủ của các bạn đọc gửi gắm tới thư viện.

Thư viện “niềm tin” và sứ mệnh kỳ vọng

Với quan điểm “để những cuốn sách không nằm im trên giá, bởi sách nằm im là sách chết”, cuối năm 2017, Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã biến căn phòng trọ nhỏ của mình thành một thư viện sách miễn có tên D Free Book. Đây là dự án nhỏ phi lợi nhuận của chàng trai trẻ, chỉ với mục đích chia sẻ những cuốn sách mình có nhằm hiện thực hóa giấc mơ lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.

D Free Book bắt đầu hành trình mang tri thức, sự tử tế của mình đến với cộng đồng với hơn 200 đầu sách, chủ yếu do anh Bình và bạn bè đóng góp.

Sau 8 năm hoạt động, hiện thư viện đã có 2 cơ sở tại Hà Nội: Đại La (quận Hai Bà Trưng) và Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) với gần 10.000 cuốn sách gồm nhiều thể loại: Sách kỹ năng, văn học trong và ngoài nước, ngoại ngữ, khoa học, tiểu thuyết, truyện tranh…

Để có số lượng sách khổng lồ như vậy, anh Bình đã cùng các bạn cộng tác viên triển khai các hoạt động như “Đổi sách lấy cây” tổ chức thường xuyên 2 tuần một lần.

Số lượng sách mỗi lần thu về lên tới 1 đến 2 tấn sách. Từ năm 2022, số sách này đã được mọi người phân loại và tìm kiếm những đơn vị như các thư viện trại giam, thư viện các lớp học ở các tỉnh miền núi để trao tặng, số còn lại được bổ sung vào thư viện.

Đặc biệt, D Free Book là một thư viện với tiêu chí “3 không”: Không đặt cọc, không thu phí và không giới hạn đối tượng để bất cứ ai cũng có thể tìm đến và dễ dàng chọn cho mình những cuốn sách phù hợp.

Anh Nguyễn Thành Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – quản lý thư viện cho biết, khi tới D Free Book, mọi người chỉ cần để lại 2 thứ: Số điện thoại và… niềm tin. Với mỗi lần mượn sách, bạn đọc sẽ được mượn tối đa 3 cuốn, trả trong vòng 35 ngày, sau đó nếu có nhu cầu sẽ được mượn tiếp 10 ngày.

Nói về ý nghĩa cái tên D Free Book, anh Thành Nam cho biết, chữ “D” giống như hình ảnh nụ cười, với mong muốn mọi người tới thư viện sẽ luôn cảm nhận được niềm vui, sự chào đón nồng hậu như trở về nhà từ thư viện. Còn “Free Book” đơn giản là sách miễn phí.

Giới thiệu về không gian đọc tại cơ sở Đại La, anh Nam chia sẻ, rất nhiều bạn đã ở lại, trở thành cộng tác viên. Đây là những người truyền lửa giúp D Free Book tiếp cận hơn 70.000 bạn đọc và hơn 300 “lớp học dịu dàng” đã được diễn ra.

Hiện tại, mỗi cơ sở có khoảng 40 cộng tác viên trông coi và hỗ trợ thư viện mở cửa cả ngày từ thứ 2 đến Chủ nhật. Bạn Tiệp (20 tuổi, quận Hà Đông) – một trong những cộng tác viên tại cơ sở Đại La thường tới trông coi thư viện mỗi khi được nghỉ học trên trường, tranh thủ thời gian đó đọc thêm những cuốn sách hay.

Ngoài việc trực ở thư viện thì các cộng tác viên cũng hỗ trợ tổ chức những hoạt động khác như: Tổ chức sự kiện “Đổi sách lấy cây”, các đêm nhạc gây quỹ, xây dựng “Tủ sách cho em” tặng các em nhỏ vùng cao.

Trong đó, “Tủ sách cho em” là chương trình có mức độ lan tỏa rộng nhất của D Free Book, được tổ chức 2 lần/năm với mong muốn đưa tủ sách thiện nguyện đến các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với tri thức, chắp cáh ước mơ cho các em đến trường.

Bạn Trịnh Thu Trúc (21 tuổi, quận Hà Đông) hiện đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bưu chính Viễn thông, biết về thư viện cộng đồng này qua nền tảng mạng xã hội TikTok từ khoảng 3 năm trước. Hôm nay (ngày 1/6) Trúc tới đây để tìm mượn sách phục vụ cho việc làm đồ án tốt nghiệp.

“Tuy biết tới D Free Book đã lâu, song vì ở xa nên đây là lần đầu tiên em cùng bạn mình tới tận cơ sở. Trước đó, em thường theo dõi thư viện qua các nền tảng số để mượn sách trực tuyến. Cảm quan đầu tiên khi em tới đây là không gian tri thức mở rộng cho tất cả mọi người, ai cũng có cơ hội để tiếp cận những đầu sách.

thu vien 3 khong giua long ha noi (5).jpg
Hiện nay, D Free Book có khoảng 10.000 đầu sách với đa dạng các thể loại.
thu vien 3 khong giua long ha noi (6).jpg
Anh Nguyễn Thành Nam - quản lý thư viện.
thu vien 3 khong giua long ha noi (7).jpg
Không gian đọc mở dành cho tất cả mọi người, được nhiều em nhỏ yêu thích.
thu vien 3 khong giua long ha noi (8).jpg
Thư viện trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu thích đọc sách.

Bản thân em là người rất hay đọc và sưu tầm sách, khi tới em khá bất ngờ vì sách ở đây rất nhiều và đa dạng thể loại và có nhiều cuốn cũ rất quý, hiếm, các hiệu sách trên phố không còn bán nữa”, Thu Trúc hào hứng cho biết. Cô gái trẻ muốn giới thiệu thư viện tới nhiều người bạn của mình.

Tại D Free Book, mỗi cuốn sách đều được đánh mã để độc giả có thể dễ dàng tìm kiếm cũng như tra cứu, hoặc mượn trực tuyến nếu không có điều kiện đến tận nơi, đồng thời cũng giúp thống kê xem sở thích của người đọc thiên về sách thể loại nào.

Bên cạnh việc đọc, mượn sách, D Free Book còn xây dựng D Free Learning - “Lớp học dịu dàng” để giúp đỡ cộng đồng. Từ việc học tiếng Anh, tiếng Trung, đến dạy vẽ, dạy đàn… chỉ cần có người quan tâm thì thư viện sẽ tổ chức lớp học.

Phía bên trong những kệ sách, mọi người bố trí một căn phòng với tên gọi “phòng sinh hoạt chung” với mục đích để mọi người vào đọc sách, tổ chức các hoạt động nhóm… Đặc biệt, nơi này đã trở thành địa điểm “tụ họp” quen thuộc mỗi cuối tuần của các bạn nhỏ quanh đây.

Anh Lê Huy (40 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cho biết, vào mỗi chiều Chủ nhật thường đưa con qua D Free Book để đọc sách, chơi cờ cùng các bạn nhỏ trong khu tập thể.

“Con gái tôi học lớp 5. Tôi thấy rằng cho cháu tiếp cận với việc đọc sách sớm để hình thành thói quen là rất tốt. Việc đọc khiến các cháu có khả năng tăng vốn từ vựng, rèn thói quen tập trung, hình thành tư duy ngôn ngữ tốt, gia đình tôi rất ủng hộ” anh Lê Huy nói.

Anh Huy nhìn nhận, thư viện cộng đồng này là một không gian thân thiện và lành mạnh, các bậc phụ huynh gần đây rất yên tâm khi gửi con trẻ qua. Các bạn nhỏ cũng thường xuyên mang sách tới thư viện ủng hộ, trao đổi và chia sẻ với nhau tạo sự tương tác rất thân thiện.

“Thật ra trong quá trình cho mượn, chúng tôi cũng thất lạc khá nhiều sách. Đáng buồn nhất, đợt dịch bệnh Covid-19 năm 2020, thư viện tại Hà Nội bị mất trộm 1.000 cuốn sách. Nhưng tất cả mọi người vẫn luôn vững lòng tin rằng cuộc sống này vẫn luôn tràn ngập điều tốt đẹp.

Rất nhiều tấm lòng đẹp đã được gửi gắm tại D Free Book với hiện vật hữu hình là những cuốn sách được trao tặng, những khoản đóng góp giúp thư viện được vận hành, duy trì đều đặn. Vì vậy, chúng tôi càng tin rằng việc mở D Free Book là rất đúng đắn”, anh Thành Nam vui vẻ chia sẻ.

Có thể nói, D Free Book là nơi những sự tốt đẹp tìm đến với nhau, cùng nhau thực hiện một sứ mệnh cao cả: Để những cuốn sách không nằm im trên giá, xây dựng một văn hóa đọc lành mạnh, gây dựng lòng tin giữa người với người và lan tỏa những điều tử tế nhỏ bé đến cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.