“Anh ơi, nhìn em làm bánh “tuyết” này!”. Dứt lời, nó thả miếng chè lam vào miệng và thở mạnh cho bột áo bay bay. Nheo mắt thích thú nhìn theo “tuyết”, miệng nhai ngon lành, lúc đó nó mới lim dim cảm nhận độ dẻo của nếp cộng với vị ngọt của đường cùng mạch nha, sự chợt cay của gừng và cả độ bùi của lạc… điểm trong từng miếng bánh.
“Anh cũng làm tuyết đây”. Cậu anh tinh nghịch hợp mạnh miếng chè lam được mẹ cắt đều trộn bột áo trắng tinh trên đĩa. Cứ thế tích cực “phối hợp” miệng cùng mũi, hai đứa thung thăng tạo ra tuyết trắng, chén bánh và cười giòn…
Ảnh: Quốc Bình. |
Chúng không quan tâm đến sắc màu là nâu (màu mạch nha) hay đỏ (màu gấc) mà chỉ thắc mắc vì sao kèm theo chè lam phải có bột áo làm từ gạo nếp đã được rang chín, xay mịn phủ lên.
Phải rồi, ông bà ta sáng tạo lắm. Sau bao công chế biến, nhất là công đánh bột trong nước đường, mạch nha, gừng, lạc… thì cần đến bột áo phủ ngoài để các miếng bánh không bị dính vào nhau và dính tay cầm.
Có thể người lớn cảm giác phiền toái và ngượng ngịu khi thưởng thức không khéo sẽ làm bột bay ra từ miệng. Nhưng với đám trẻ, chúng lại cố tình tạo ra điều đó để lấy cớ đặt thêm cho loại bánh truyền thống nức tiếng ở Đường Lâm (Hà Nội) cái tên thú vị: Bánh “tuyết”.
Với mỗi đứa, lúc “bụi tuyết” bay là một thế giới kỳ ảo mở ra theo cách chúng nghĩ, chúng muốn… Và chẳng khi nào chúng bị mẹ mắng bởi mẹ cũng muốn gìn giữ, nâng niu những ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp từ chúng.