Dòng họ lâu đời ở Cần Thơ kể chuyện làm bánh phồng tôm truyền thống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gia đình bà Dương Thị Huỳnh Hoa (64 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ) có ba đời làm nghề bánh phồng tôm truyền thống.

Khâu hấp bánh cần nhiều kinh nghiệm để bánh vừa chín tới.
Khâu hấp bánh cần nhiều kinh nghiệm để bánh vừa chín tới.

Một trong những dòng họ lâu đời của Cần Thơ là dòng họ Dương, sở hữu món ăn gia truyền vô cùng nổi tiếng là món “bánh phồng tôm Dương gia”. Nghề làm món ăn này được gia đình bà Huỳnh Hoa duy trì đến ba đời.

Nằm cạnh bên di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ họ Dương (còn gọi là Nhà cổ Bình Thủy), nhà của bà Hoa là nơi được nhiều người biết đến bởi nghề làm bánh phồng gia truyền.

“Hằng năm vào mùa Tết, tôi và các thành viên trong gia đình phải thức từ 3 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu. Làm xuyên suốt đến tận 2 giờ chiều thì nghỉ. Bởi làm nghề này hoàn toàn thủ công nên cần tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi bánh, không thể làm đến chiều tối được”, bà Hoa cho biết.

Hằng năm vào mùa Tết, gần 10 thành viên trong gia đình bà được huy động để cùng nhau làm bánh phồng kịp giao cho khách. Ngày thường bà Hoa chỉ làm 5 - 6 kg bánh phồng thì mùa Tết bà tăng công suất làm ra 8 - 9 kg để cung ứng thị trường.

Sắp bánh trải đều lên vỉ đem phơi.

Sắp bánh trải đều lên vỉ đem phơi.

Bánh phồng tôm do gia đình bà Hoa sản xuất hoàn toàn thủ công, không tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nên không có thương hiệu, nhãn mác. Nhưng với chất lượng thơm ngon, bánh phồng của bà khiến khách mê đắm, được nhiều Việt kiều ưa thích đặt mua làm quà.

Bà Hoa đã có thâm niên gần 50 năm trong việc sản xuất bánh phồng tôm. Từ việc phụ giúp mẹ các công đoạn làm bánh, bà dần lĩnh hội hết những tinh túy của nghề. Đến nay, con bà cũng theo nghiệp làm bánh của mẹ và bà ngoại.

“Thuở xưa tôm, cá nhiều, bắt ăn không hết nên đem làm bánh phồng ăn trong gia đình. Nhờ mùi vị đặc trưng nên nhiều khách liên hệ mua. Dần dà, nhiều Việt kiều về thăm quê, mong muốn mang những chiếc bánh thơm ngon làm quà. Nhận thấy có thể kiếm thêm thu nhập từ nghề làm bánh phồng tôm, gia đình bắt tay vào nghề làm bánh”, bà Hoa kể.

Tỉ mẫn cắt bánh sao cho đẹp.

Tỉ mẫn cắt bánh sao cho đẹp.

Nguyên liệu làm bánh chủ yếu từ tôm sông hoặc tôm nuôi. Sau khi xay nhuyễn sẽ đem nhồi với bột và lòng trắng trứng, gia vị... theo công thức riêng.

Công đoạn làm bánh cũng lắm công phu. Từ việc xay bột, nhồi bột sao cho vừa, quết bánh sao cho đều, hấp bánh sao cho vừa chín tới, cắt bánh thành hình vuông, phơi bánh, chiên bánh... tất cả các công đoạn đều được làm thủ công.

“Công thức bánh gia truyền nên có vị riêng. Bánh phồng họ Dương có vị giòn, ngon của tôm, trứng, bột. Thực khách còn cảm nhận được tấm lòng, công sức của người làm”, bà Hoa nói.

Bà Hoa còn sáng tạo thêm nhiều món ăn độc đáo, đáp ứng khẩu vị của nhiều người từ quá trình làm bánh. Bánh sau khi hấp được cắt thành từng miếng hình chữ nhật để phơi khô, phần rìa bánh còn dư có hình dáng dài, mảnh được tận dụng làm mì chiên giòn hoặc gỏi bánh phồng tôm, làm say đắm biết bao thực khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ