Thú vị cuộc sống người Việt qua “Tinh túy xứ An Nam"

GD&TĐ - “Tinh túy xứ An Nam” là chủ đề buổi tọa đàm xoay quanh bộ ba cuốn sách viết về xứ An Nam: “Tâm lý người An Nam” , “Nghệ thuật xứ An Nam” và “Bắc Kỳ tạp lục” của ba tác giả người Pháp do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace tổ chức.

Sự kiện tọa đàm về bộ ba  cuốn sách.
Sự kiện tọa đàm về bộ ba cuốn sách.

Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc tiếp xúc, va chạm giữa hai nền văn hóa Pháp – Việt Nam. Những cuộc chinh phục của thực dân hòng thâu tóm xứ thuộc địa không đơn thuần chỉ là sự đối đầu về phương diện quân sự, mà còn tạo ra những giao thoa về văn hóa.

Năm 1627, người Pháp đầu tiên đặt chân tới An Nam là một nhà truyền giáo dòng Tên, cha Alexandre de Rhodes, người đã thành lập Hội truyền giáo Bắc Kỳ.

Từ đây, nhiều thương nhân Âu châu tham vọng muốn thiết lập các thương điếm tại vùng đất này, nơi mà những tiếng tăm về sự giàu có được phóng đại đến kỳ lạ và ám ảnh những tâm hồn phiêu lưu tại châu Âu.

Ba tác giả, Paul Giran (“Tâm lý người An Nam”), Henri Gourdon (“Nghệ thuật xứ An Nam”) và Henri M.Souvignet (“Bắc Kỳ tạp lục”) đều là những học giả phương Tây, những người Pháp lần đầu tiếp cận với nền văn hóa phương Đông.

Họ đều đã khảo sát dân tộc An Nam, trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân khi sinh sống và gắn bó với xứ sở này một thời gian dài.

Những cuốn sách là tập hợp tư liệu ghi lại quá trình tìm hiểu về một dân tộc khác, khám phá ra những động lực thâm sâu trong sinh hoạt, để hiểu về dân tộc đó và mang đến cho chúng ta những ghi chép cụ thể, sinh động và thú vị.

Những lăng kính soi chiếu khác nhau về xứ An Nam.
 Những lăng kính soi chiếu khác nhau về xứ An Nam.

“Tâm lý người An Nam” là một trong hai công trình khảo cứu về Việt Nam của Paul Giran, một viên chức thuộc chính quyền bảo hộ ở Đông Dương (công trình còn lại có tựa đề: Magie et religion annamites – Bùa chú và tôn giáo An Nam).

Có nhiều năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam cùng vốn hiểu biết nhất định về con người và tập quán bản xứ, Paul Giran đã vẽ nên một bức tranh sinh động và tỉ mỉ về xã hội An Nam cũng như những điều kiện về tự nhiên và xã hội cách đây hơn một thế kỷ.

Không chỉ là một nguồn tư liệu khảo cứu phong phú cho bất cứ ai muốn tìm hiểu kỹ hơn về tâm lý người Việt trên cơ sở nghiên cứu về nhân chủng học, “Tâm lý người An Nam” còn là một phép so sánh thú vị về những giá trị và quan niệm khác nhau giữa hai nền văn minh Đông - Tây trên nhiều bình diện.

“Bắc Kỳ tạp lục” là những ghi chép trong mọi lĩnh vực của đời sống con người Việt Nam, người An Nam thời bấy giờ, qua góc nhìn của một người Pháp.

Cuốn sách gồm 21 chương mang đến cho độc giả một cái nhìn tổng quát, bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống người dân: ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng… trong thời kỳ ấy.

Ra đời vào năm 1903, thời điểm giao thoa giữa hai cuộc tiếp xúc của người Pháp và người An Nam: Cuộc tiếp xúc về bạo lực vũ trang, đối kháng quân sự và cuộc tiếp xúc về văn hóa, tín ngưỡng, “Bắc Kỳ tạp lục” là minh chứng cho cuộc gặp gỡ giữa hai đất nước khác nhau, hai truyền thống tách biệt.

Cuốn sách cũng đưa ra một cái nhìn tổng thể, bao quát về các tập tục và thiết chế của người An Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đặc biệt là các nét tiêu biểu trong đời sống ở Bắc Kỳ.

Đây có thể coi như một chiếc chìa khóa giúp người Pháp len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tin thần của người An Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh chóng những tập tục của họ.

Còn cuốn sách “Nghệ thuật xứ An Nam” ( L’Art de l’Annam) của tác giả Henri Gourdon được NXB Boccard phát hành vào năm 1933. Trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, tác giả đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và các xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật xứ An Nam đạt được tính đến thời điểm đó.

Cuốn sách cung cấp một nguồn tư liệu quý.
 Cuốn sách cung cấp một nguồn tư liệu quý.

Henri Gourdon - Giám đốc Trường Thuộc địa (École Coloniale), cũng là Tổng giám đốc đầu tiên của Nha học chính Đông Dương (L’Instruction publique de l’Indochine).

Cuốn sách “Nghệ thuật xứ An Nam” của Henri Gourdon được chia làm năm phần: phần mở đầu mô tả khái quát các đặc điểm xã hội, dân tộc, lịch sử chung của đất nước An Nam, ba phần tiếp theo mô tả các ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc và hội họa, thủ công mỹ nghệ, và cuối cùng là xu hướng vận động của các lĩnh vực này trong bối cảnh An Nam là thuộc địa của Pháp.

Chia sẻ lý do “phải lòng” cuốn sách này, dịch giả Trương Quốc Toàn cho biết: “Nghệ thuật xứ An Nam” của Henri Gourdon thực sự có thể gọi là một cuốn sách chuyên ngành về di sản.

Ngay từ khi đọc bản gốc tiếng Pháp, có một số chỗ khiến tôi thấy gai người vì… thú vị. Tôi thích cách tiếp cận của tác giả, thích những góc nhìn của ông với tư cách như một học giả phương Tây lần đầu tiếp cận với văn hóa Việt Nam, nhưng đã có vốn hiểu biết khá dày về văn hóa Á Đông.

Vì vậy, ngay sau khi đọc lướt nhanh nội dung, tôi quyết định sẽ dịch tác phẩm này”.

Các diễn giả: TS ngữ văn Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và chuyên gia kiến trúc Emmanuel Cerise, đại diện Ile-de-France tại Hà Nội sẽ dẫn dắt chương trình tọa đàm  do NXB Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. tổ chức tối 24/9,

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.