Phong tục nào ở đây cũng vui, dí dỏm và đặc biệt là tục bốc cả một ngôi nhà dời đi nơi khác mà không làm hư hỏng kết cấu.
Khác với việc dỡ từng cái vách, cửa sổ, dầm xà, mái hiên như ở nơi khác, tại đây người ta chuyển nguyên một ngôi nhà. Thậm chí, đồ đạc bên trong nhà cũng để nguyên. Họ xuyên những cái đòn vào dưới nền nhà, rồi mọi người ghé vai vào gánh nó đi như rước kiệu.
Tại sao lại có điều này? Vì nhà cổ truyền của Philippines (Bahay Kubo), nhất là tại vùng nông thôn - miền núi rất nhẹ nhàng, đơn giản, thường chỉ làm bằng tre gỗ, lá cọ, có từ một tới hai tầng thấp như nhà sàn.
Và với tinh thần tương thân tương ái, láng giềng sẵn sàng giúp cho một gia đình chuyển nhà. Nặng mấy họ cũng hò nhau di chuyển tới địa điểm mới bằng bất cứ giá nào, nhiều khi lên tới vài cây số, vượt rừng hay suối. Truyền thống ấy được gọi là Bayanihan, là một tập tục, cũng là một nghĩa cử cao đẹp của người Philippines.
Do ở một đất nước hay bị bão lụt, động đất, núi lửa nên người dân luôn giúp nhau trong mọi công việc đồng áng cũng như nhiều sinh hoạt hàng ngày, để ứng phó kịp thời trước thiên tai, dịch họa.
Trong việc xây nhà, khi một người đến ở hay có ý định dựng một căn chòi là cả làng sẽ tới để giúp đỡ. Người cho gỗ, tre nứa, người cho rơm rạ hay lá cọ để lợp mái và chính họ cũng bắt tay vào giúp chủ nhà.
Và để không phải dựng lại nhà, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp như nước lũ tràn về, người dân cũng không quản ngại bốc cả ngôi nhà đó lên cao. Chỉ cần từ 15 - 20 thanh niên lực lưỡng là có thể đưa một ngôi nhà vượt núi. Ở những nơi không có trai trẻ thì phụ nữ, trẻ em, người già cũng tham gia di dời nhà.
Thường sẽ có một người đi trước dọn đường, những ai không giúp cho gia chủ khuân vác thì cũng đi đằng sau cổ động. Vì thế, một ngôi nhà được chuyển tới nơi mới là có sự tham gia của cả làng hay ít nhất là một tập thể.
Trong khi chồng con, bạn bè, hàng xóm đang lịch kịch chuyển nhà, ở nơi đặt nhà mới, những người phụ nữ trong gia đình cũng lao xao sửa soạn một bữa cơm thật ngon để cảm ơn, khoản đãi hàng xóm.
Theo tiếng phổ thông và của miền Trung Philippines Tagalog, chữ bayani có ý nghĩa là làng bản, đất nước. Còn chữ Hán có thể hiểu là một việc thiện chí, nghĩa cử trong cộng đồng. Do đó, Bayanihan không chỉ được áp dụng trong việc dựng nhà, chuyển nhà có sự chung tay của tập thể, mà còn thấy trong nhiều việc thiện nguyện, cứu trợ.
Bayanihan vì thế là một việc tự nguyện, xung phong của một số người muốn trợ giúp người khác, và trong việc chuyển nhà là để san sẻ những vui buồn, mất mát vừa qua đối với một gia đình và giảm bớt gánh nặng công trình giúp làm mọi thứ dễ dàng hơn.
Tuy gia chủ có làm cơm cảm tạ mọi người, nhưng không phải ai cũng ăn, vì có động cơ trong sáng, không vì phần thưởng nào cả. Mục đích là để tăng khối đại đoàn kết, thống nhất trong làng xóm, đồng thời giữ gìn của cải, di sản cùng nhiều truyền thống tốt đẹp lưu danh từ cha ông.
Từ việc chuyển nhà, hằng năm dân gian các vùng cũng tổ chức lễ hội Bayanihan, để thi xem ai (đội nào, làng nào) bốc nhà đi nhanh nhất, nguyên lành hơn. Nhân qua lễ hội này, họ quyên tiền giúp đỡ người nghèo xây nhà cho nạn nhân của các trận lũ lụt, lở đất, dung nham… Lễ hội này có thể kéo dài cả tuần với nhiều cuộc đua dời nhà chạy đường trường từ 1 - 5km.