Thú vị các "chiêu trò" tạo hứng thú cho trò khi học trực tuyến

GD&TĐ - Sau thời gian học trực tiếp, trường học ở Hải Phòng chuyển sang dạy trực tuyến do dịch bệnh.

 Học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Quốc Tuấn, huyện An Lão trong giờ học.
Học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Quốc Tuấn, huyện An Lão trong giờ học.

Việc chuyển trạng thái dạy học không còn xa lạ nhưng để đảm bảo dạy học trực tuyến hiệu quả đối với học sinh lớp 1, lớp 2 không dễ dàng. Sau 2 năm học thích ứng, ngoài việc linh hoạt hình thức, phương pháp dạy học, nhiều thầy cô đã tạo “chiêu” đem lại hứng thú cho học sinh, bảo đảm chất lượng giờ dạy.

Chia học sinh theo nhóm

Từ khi nhà trường chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, cô Đặng Thị Thuỳ Giang, giáo viên lớp 1A8, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân đã liên hệ với phụ huynh học sinh để thông tin kế hoạch học tập.

Trước đó, tranh thủ thời gian “vàng” khi học sinh còn học trực tiếp, cô Giang đã cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh. Học sinh lớp 1A8 đã hoàn thành chương trình học kỳ I trước kế hoạch và dừng đến trường khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vào giữa tháng 12 năm 2021.

Vì trẻ còn nhỏ, khả năng tập trung và tính tự giác không cao nên cô đã chọn dạy trực tuyến buổi tối, đồng thời chia lớp thành 2 nhóm theo lực học của các em. Giáo viên đồng thời tận dụng công nghệ thông tin, bài giảng điện tử và linh hoạt nhiều phương pháp tạo sức hút, mang lại hứng thú cho học sinh.

Anh Nguyễn Văn Chiến, có con học lớp 1A8 cho hay: Mỗi tuần con học 2 buổi trực tuyến với cô giáo ở môn Toán và Tiếng Việt. Với những bài dạy điện tử, qua sự hướng dẫn, giảng dạy dễ hiểu của cô giáo, trò tiếp thu được bài học.

Tuy nhiên, theo anh Chiến, để giờ học hiệu quả gia đình vẫn phải nhắc con đến giờ vào Zoom và ngồi cạnh để kèm.

Theo cô Giang, bên cạnh sát sao và chăm chút cho việc học của con của phụ huynh, để có giờ học thành công, cô tạo cơ hội cho học sinh làm việc liên tục trong buổi học để các em tập trung hơn. Cô thiết kế một số trò chơi đan xen trong tiết học.

Kiến thức học kỳ II tăng dần độ khó, vì vậy để học sinh nắm chắc bài học, cô Giang chủ động dạy những kiến thức cơ bản. Với môn Tiếng Việt cô dạy theo từng bài trong SGK, còn môn Toán, cô dạy theo từng mảng kiến thức. Trước mỗi bài mới, cô trao đổi để phụ huynh nắm được để hướng dẫn con tìm hiểu bài.

Ngoài việc dạy học trong Zoom, cô Giang đã sử dụng các phần mềm làm bài online để nắm bắt sự tiếp thu của học sinh như: Làm bài trên livewordsheets, ghi âm bài đọc gửi lên pandlet…

Cuốn học sinh vào bài học

Cô Nguyễn Thanh Trà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Tuấn, huyện An Lão chia sẻ: Dạy học trực tuyến là một trong những nhiệm vụ nhà trường đặt ra nhằm ứng phó với tình hình thực tế. Trong quá trình dạy học trực tuyến, giáo viên có nhiều thuận lợi như sử dụng thành thạo phần mềm dạy học; chủ động, linh hoạt đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến. Thầy cô luôn nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo, chủ động nghiên cứu nội dung chương trình soạn giảng.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên cũng gặp một số khó khăn. Học sinh lớp 1 còn nhỏ, các em tiếp nhận kiến thức chủ yếu bằng trực quan. Khi dạy học trực tuyến, giáo viên không trực tiếp quan sát, kèm cặp sát được từng em. Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, các em dễ nhàm chán khi học trong thời gian dài, dễ mất tập trung. Việc thao tác sử dụng thiết bị (bật, tắt mic) sẽ không đảm bảo một tiết học.

Quá trình dạy học trực tuyến, cô Lương Thị Vân Anh, giáo viên lớp 1B, Trường Tiểu học Quốc Tuấn đã sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến: Microsoft teams, Zoom không giới hạn thời gian. Bên cạnh đó, để tăng khả năng tương tác trong học tập, cô thiết kế bài giảng điện tử trình chiếu, khai thác hiệu quả các tính năng, công cụ thiết kế trên phần mềm PowerPoint để tạo những bài giảng sinh động, hấp dẫn, cuốn hút học sinh, đảm bảo giúp học sinh “Học mà chơi, chơi mà học”.

Cô thiết kế các trò chơi học tập gắn với thực tiễn như: Trò chơi tiêu diệt virus; Bảo vệ môi trường, Phun thuốc diệt trừ Covid, Phân loại rác, Lì xì đầu năm, Du lịch online, Gọn gàng ngăn nắp… để lồng ghép vào mỗi bài dạy. Đưa video clip, thông điệp 5K về phòng chống dịch bệnh Covid trong tình hình mới.

Trước khi dạy học online, cô Vân Anh họp phụ huynh học sinh, xây dựng nền nếp lớp học trực tuyến giúp các em thực hiện nghiêm túc. Khi giao bài tập trên Zalo, cô Vân Anh nhờ phụ huynh chụp bài hoặc quay video con đọc gửi cho giáo viên. Khuyến khích học sinh làm bài tập tương tác trên Googleform có chấm điểm tự động. Với các hình thức giao bài như vậy, giáo viên cần tổng hợp, nhận xét cụ thể từng học sinh và đưa lên nhóm lớp.

Với bài học gắn với thực hành trải nghiệm, cô nhờ phụ huynh quay video hoạt động của học sinh làm ở nhà, ghi nhận xét và chụp gửi qua Zalo để giáo viên đánh giá. “Nhờ các hình thức tổ chức dạy học online linh hoạt mà phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng, đồng hành cùng các con. Chất lượng giáo dục đảm bảo”, cô Vân Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.