Trẻ lớp 1 kiểm tra trực tuyến: Giải tỏa nỗi lo của phụ huynh

GD&TĐ - Trước lo lắng của phụ huynh về việc cho trẻ lớp 1 kiểm tra học kỳ trực tuyến sẽ tạo áp lực, các trường đang triển khai giải pháp linh hoạt, trong đó chú trọng đơn giản hóa từ khâu ra đề, hướng dẫn phụ huynh...

Trong suốt 8 tháng qua, học sinh tiểu học tại Hà Nội vẫn chưa thể đến trường mà phải học online để phòng chống dịch Covid-19.
Trong suốt 8 tháng qua, học sinh tiểu học tại Hà Nội vẫn chưa thể đến trường mà phải học online để phòng chống dịch Covid-19.

Phụ huynh “nóng ruột” trước lịch thi của con

Có con học lớp 1 tại quận Hà Đông (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Linh bày tỏ sự lo lắng khi nhận được lịch kiểm tra học kỳ trực tuyến của con. Làm kinh doanh tự do công việc rất bận nên vợ chồng chị Linh phải thay phiên nhau hàng ngày kèm cặp mỗi khi con vào giờ học online. Cháu còn bé, chưa biết sử dụng máy tính và kết nối Internet để vào phần mềm Zoom của lớp mình nên bố mẹ phải hướng dẫn. Buổi tối, chị phải ngồi cạnh cho con luyện viết chữ. Nếu có thắc mắc gì đều phải gọi điện hỏi cô giáo để được giải đáp. Ngoài đề cương ôn tập của cô giáo gửi, chị Linh cũng chủ động tải thêm một số đề Toán, Tiếng Việt trên mạng về máy tính cho con ôn luyện.

Còn anh Bùi Văn Hùng, phụ huynh có con học lớp 1 tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) đưa ra đề xuất: “Tôi thiết nghĩ, nên chăng các thầy cô miễn kiểm tra học kỳ với trẻ lớp 1 thì sẽ bớt áp lực cho cả học sinh lẫn bố mẹ các cháu. Thời gian các con nghỉ ở nhà học online đã 8 tháng nay, không được đến trường học trực tiếp là một thiệt thòi lớn. Mức độ tiếp thu của trẻ mới vào lớp 1 cũng ở mức nhất định, không thể bằng học trực tiếp”. Dù vậy, gia đình anh Hùng vẫn chủ động phương án để cho con thi trực tuyến đạt kết quả cao nhất bằng việc nâng cấp gói mạng Internet tại nhà. Tuy nhiên, anh Hùng vẫn lo trong quá trình làm bài kiểm tra, đường truyền gặp sự cố hoặc gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

Cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) - chia sẻ: Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá online cho học sinh từ sớm. Theo cô Hương, giáo viên các lớp đã cho học sinh các lớp, kể cả khối 1 và 2 tiến hành kiểm tra thử để xem mức độ nhận thức của các em tới đâu. Qua khảo sát từ các lớp, nhà trường nhận thấy học sinh đã làm quen được với công nghệ và hoàn thành bài làm của mình với kết quả tích cực. Theo quy định, học sinh phải bật camera và mic trong suốt quá trình làm bài thi. Với trẻ lớp 1, phụ huynh có thể ngồi cạnh hỗ trợ con về mặt thao tác kỹ thuật nhưng không được nhắc bài cho con.

“Theo lịch, nhà trường sẽ cho học sinh kiểm tra học kỳ các môn từ đầu tháng 1/2022. Trước đó, giáo viên các lớp đã họp phụ huynh để xin ý kiến về hình thức tổ chức kiểm tra học kỳ. Kết quả cho thấy, 100% cha mẹ học sinh đồng ý phương án kiểm tra trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Nội dung học của các em tới đâu nhà trường sẽ kiểm tra tới đó, không cho bài quá khó hoặc các phần chưa học/nội dung thuộc diện giảm tải vào đề thi. Chủ yếu đề thi ra theo phạm vi kiến thức cơ bản để học sinh làm bài. Vào giờ thi, giáo viên chia mỗi lớp làm hai phòng Zoom khoảng 20 em để dễ dàng quản lý”, cô Thanh Hương nhấn mạnh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) đã quen với hình thức học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) đã quen với hình thức học trực tuyến. 

Phát huy sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình

Lịch kiểm tra học kỳ I cho học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định, Nam Định) bắt đầu từ ngày 30/12/2021 đến hết ngày 7/1/2022. Cô Vũ Thị Hương – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Thực hiện các văn bản chỉ đạo từ phòng GD&ĐT, nhà trường đã và đang tổ chức hình thức kiểm tra định kỳ học kỳ I gọn nhẹ, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng với mọi học sinh. Để đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, nhà trường tiến hành kiểm tra học kỳ dưới hình thức trực tuyến.

“Nhà trường sẽ cung cấp đề kiểm tra tới giáo viên chủ nhiệm các lớp trước thời gian làm bài khoảng 5 phút. Sau khi thầy cô chuyển đề bài qua phần mềm Zoom ở các nhóm lớp, học sinh sẽ làm bài trong thời gian 40 phút/môn. Khi hoàn thành xong bài thi, phụ huynh chụp ảnh bài làm của các em gửi qua Zalo của từng giáo viên phụ trách bộ môn. Thầy cô sẽ chấm bài trên Zalo và thông tin lại cho phụ huynh kết quả làm bài của học sinh. Sau khi chấm và thống kê điểm, giáo viên sẽ in bài làm của các em rồi nộp về nhà trường để lưu bài kiểm tra” – cô Hương nói.

Cũng theo cô Hương, toàn trường có 1.180 học sinh, riêng khối 1 có 5 lớp với 231 em. Việc kiểm tra đánh giá qua ứng dụng Zoom cơ bản đảm bảo tính khách quan về tình hình học tập của học sinh. Nhà trường đã gửi thông báo qua sổ liên lạc điện tử tới phụ huynh về những việc cần làm để việc kiểm tra học kỳ của học sinh đảm bảo  nghiêm túc. Về nội dung đề thi với từng khối lớp, nhà trường bám sát theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn 3969; riêng khối 5 thì căn cứ vào Công văn 3799 cùng của Bộ GD&ĐT. Những kiến thức mà học sinh đã được tinh giản sẽ không cho vào đề thi. Nhà trường sẽ tăng câu hỏi ở phần trắc nghiệm để các em có thể dễ dàng làm bài để đạt kết quả tốt.

Riêng khối 1 và 2, nhà trường tiến hành kiểm tra học kỳ vào khung giờ từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ. Bởi, đó là giờ phụ huynh đã tan ca làm và ở nhà mới có thể hỗ trợ con em mình về máy móc, thiết bị phục vụ việc kiểm tra theo quy định.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho hay: Sở có văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch Covid-19. Tùy tình hình dịch ở mỗi địa phương, các nhà trường sẽ lựa chọn hình thức kiểm tra học kỳ cho phù hợp. Nếu dịch Covid-19 còn phức tạp sẽ thi học kỳ dưới dạng trực tuyến. Nội dung đề thi cần tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT theo hướng đảm bảo nội dung cơ bản, không cho vào đề thi các phần/nội dung thuộc chương trình giảm tải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.