Công điện nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (vốn ODA) được xem như một trong những giải pháp "mắt xích" quan trọng để phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA năm 2022 còn chậm, chưa được cải thiện làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm sức thu hút các nguồn lực xã hội khác, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn ODA nguồn ngân sách trung ương đến ngày 31 tháng 3 năm 2022 mới chỉ đạt 0,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc giải ngân chậm vốn ODA do nhiều nguyên nhân, ngoài tác động bởi đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng tăng cao làm cho tiến độ thi công các dự án ODA bị chậm lại. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các nhà tài trợ còn thiếu chặt chẽ; tính sẵn sàng của dự án chưa tốt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ, các quy định pháp luật về vốn ODA còn phức tạp...
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ODA năm 2022 đạt 100% kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
a) Tiếp tục quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA nói riêng; coi nhiệm vụ giải ngân vốn ODA là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ODA, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
b) Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số: 904/VPCP-QHQT ngày 01 tháng 4 năm 2022, 1993/VPCP-KTTH ngày 31 tháng 3 năm 2022, 1721 /VPCP-QHQT ngày 19 tháng 3 năm 2022, 1684/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 3 năm 2022, 1173/VPCP-QHQT ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
c) Các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022.
d) Phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các Bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ODA, nhất là dự án trọng điểm, vốn lớn; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
đ) Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án ODA chậm giải ngân sang dự án ODA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các Hiệp định kết thúc năm 2022, 2023... Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng ODA
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1993/VPCP- KTTH ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA đã có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
c) Khẩn trương trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2022 về Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó quy định đơn giản hóa về quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của các cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA.
Xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán
3. Bộ Tài chính:
a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; rà soát các quy định để tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán; phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan liên quan và cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định, triển khai dự án và giải ngân, rút vốn từ các nhà tài trợ.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành, địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị giải pháp cần thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, điều chỉnh các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1721/VPCP- QHQT ngày 19 tháng 3 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn ODA chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện này.