Thủ tướng: Trong tháng 2 phải có vắc xin phòng COVID-19

GD&TĐ - “Trong lúc này, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vắc xin từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp chiều 15/2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp chiều 15/2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin của chương trình Covax; đồng thời chủ động đàm phán, nhập khẩu vaccine.

"Nếu các chuyến bay sắp xếp kịp thời và các thủ tục xong, với cả hai nguồn Covax (4,88 triệu liều) và nhập khẩu (117.000 liều), chúng ta có khoảng 5 triệu liều vào cuối tháng này", Thứ trưởng Y tế thông tin.

Với số lượng vắc xin trên, ngay đợt đầu có thể tiêm rộng rãi cho 5 triệu người mũi thứ nhất và sau 3 tháng sẽ tiếp tục tiêm mũi thứ hai.

Theo phương án Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, có từ 2 đến 5 triệu trường hợp thuộc diện ưu tiên - những người trên các tuyến đầu phòng, chống dịch.

"Việt Nam là một trong những nước châu Á tiếp cận tốt vắc xin", Thứ trưởng Y tế nói.

Đặt vấn đề "làm thế nào có đủ vắc xin", Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng nguồn từ viện trợ không nhiều nên cần chủ động với các nguồn mua và khuyến khích sản xuất trong nước.

"Có một số chuyên gia đề nghị xem nguồn vắc xin của Nga, vì chất lượng tương đối tốt, giá cả phải chăng", Phó thủ tướng nói và đề nghị cho các địa phương chủ động nhập khẩu để làm sao nhanh nhất.

Về vấn đề vắc xin COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vắc xin sản xuất trong nước.

“Trong lúc này, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vắc xin từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc xin, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Nhân dịp này, tôi cũng xin nói nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vắc xin”, Thủ tướng nói. Dự kiến ngày 17/2 phương án cuối cùng sẽ được Chính phủ xem xét, thông qua.

Chương trình Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là kế hoạch toàn cầu, nhằm cung cấp vắc xin Covid-19 cho người dân ở các nước nghèo và có thu nhập trung bình.

Cuối tháng 1, Liên minh Covax thông báo trong quý 1 sẽ giao cho Việt Nam khoảng 25% số lượng vaccine trong kế hoạch, tức khoảng 4,9 đến 8,2 triệu liều. Số còn lại sẽ được chuyển vào quý 2.

Việt Nam hiện có hai vắc xin Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm là Nanocovax của Công ty Nanogen, đã thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12. 40 tình nguyện viên đã được tiêm vắc xin liều 25 và 50 mcg, hiện đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.

Vắc xin Covid-19 thứ hai của IVAC đã hoàn thành các đánh giá thử nghiệm an toàn trên động vật, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người tháng 1/2021.

Hôm 1/2, Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam đã ký hợp tác với AstraZeneca cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Eugene Izzi và một số tác phẩm của ông.

Cái chết bí ẩn của nhà văn trinh thám Mỹ

GD&TĐ - Một nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết về tội phạm cùng những điều kỳ bí, bỗng kết thúc cuộc đời theo cách giống như nhân vật trong tác phẩm của ông.