Chăm sóc sức khỏe học sinh có chuyển biến, nhưng còn thách thức
Đối với mỗi người trong chúng ta và cả xã hội, sức khỏe luôn là vốn quý nhất. Đặc biệt, đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu lại càng quan trọng bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn đề cao vai trò của việc rèn luyện sức khỏe. Người cho rằng sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.“Dân cường thì quốc thịnh”; “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Người đặc biệt quan tâm và coi thế hệ trẻ, học sinh là tương lai, vận mệnh của đất nước,“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”, hay như câu thơ Bác Hồ viết:“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó có Đề án tổng thể về giáo dục thể chất và thể thao trường học, Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Đề án về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên…; và gần đây nhất là Chương trình y tế trường học, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng được ban hành đầu năm 2022.
Cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, y tế, thể dục, thể thao và các bộ, ban, ngành, địa phương; sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế, các cá nhân, từng gia đình và nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cải thiện đáng kể điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, nhất là về dinh dưỡng, thể chất, điều kiện vệ sinh trường học, dự phòng bệnh tật học đường; đặc biệt là dịch Covid-19 hiện nay.
Thủ tướng đưa ví dụ cụ thể: Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam năm 2020 đạt 168,1cm, tăng 3,7 cm; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với 10 năm trước. Nếu so với thời điểm 20 năm trước, chiều cao nam thanh niên tăng 4,4 cm, nữ tăng 3,6 cm; so với năm 1985, nam giới tăng 8,6 cm, nữ tăng 5,7 cm.
Mặc dù vậy, so với yêu cầu thì hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức.
Trong đó, theo Thủ tướng, nhiều trẻ em vẫn chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, có một số vụ nghiêm trọng, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý.
Vẫn còn không ít học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì nhiều lý do khác nhau. Và rất đau lòng, đã có không ít em tìm đến những giải pháp tiêu cực. Tất cả chúng ta đều phải trăn trở, suy ngẫm sâu xa hơn về vấn đề này.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng của học sinh năm 2019 ở mức khá cao, khoảng 13,9%, trong khi đó tỷ lệ thừa cân - béo phì cũng tăng nhanh, khoảng 20%.
Cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học, thậm chí các điểm trường quy hoạch chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe cho các cháu khi đi học.
Bên cạnh đó, chương trình học cho trẻ còn nặng về kiến thức và thiếu các kỹ năng sống. Điều đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và gây áp lực cho trẻ. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.
Những hạn chế nêu trên có một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng chủ yếu, theo Thủ tướng, là nguyên nhân chủ quan sau:
Nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, về chăm sóc sức khỏe cho học sinh vẫn chưa thực sự toàn diện, tổng thể, nhất là về sức khỏe tinh thần, có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ; chưa có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho công tác này.
Việc bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong trường học còn khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhiều giáo viên, nhà trường, phụ huynh và gia đình chưa coi trọng việc liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan tới học sinh. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đủ tới lúc con ở trường và nhiều giáo viên chưa quan tâm đủ tới lúc học sinh ở nhà, chưa thực sự lắng nghe các em.
Kiến thức chung về dinh dưỡng, sức khỏe học đường và phòng, chống dịch, bệnh tật thông thường còn hạn chế. Giáo dục về thể chất và hoạt động thể thao trường học vẫn còn bất cập, chưa thật sự hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe học đường chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác truyền thông giáo dục về sức khỏe học đường còn hạn chế.
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội
Trên cơ sở nhận thức và xác định rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức và nguyên nhân nêu trên, ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Trong đó, cần quán triệt tinh thần chung: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn.
Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phải suy nghĩ, phải chung tay, đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
Thủ tướng cũng yêu cầu có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Những việc cụ thể cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt được Thủ tướng nhấn mạnh. Trước tiên là cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học và cơ sở vật chất để trẻ có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19…
Chung tay để tạo đột phá trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt vai trò đầu mối, chủ trì; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; rà soát để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện và công tác phối hợp.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường.
Chú trọng, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường. Lưu ý việc đề xuất cơ chế, chính sách, bố trí nguồn nhân lực về giáo dục thể chất và chăm sóc tâm lý cho học sinh trong nhà trường.
Vấn đề trước mắt, thời sự hiện nay là mở cửa lại trường học sau hai năm gián đoạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, khoa học, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi các cháu trở lại trường học.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Bộ Xây dựng đảm bảo tỷ lệ xây dựng trường học, nhà trẻ, nhất là khu đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo các cháu có cơ sở vật chất tốt để học tập và phát triển thể chất. Tính toán xây dựng phương án phòng, chống dịch khi cần thiết.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra tiêu chí, xây dựng cơ sở vật chất rèn luyện thể dục thể thao cho các cháu, đặc biệt liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ và phát triển phong trào thể thao đại chúng để nhiều trẻ em tham gia rèn luyện sức khỏe.
Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Theo đó, chú trọng phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Có hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn về dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn học đường bảo đảm phù hợp về dinh dưỡng.
Ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện mục tiêu của Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho sức khỏe học đường trên tinh thần đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình.
Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khoẻ học đường cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nói chung.
“Tôi được biết trong thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có cả trong nước và quốc tế đã tham gia tích cực vào hoạt động này. Hôm nay, các đồng chí và các quý vị có mặt đông đủ ở đây đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ quan tâm đến việc triển khai Chương trình sức khỏe học đường. Đây là việc làm có ý nghĩa xã hội thiết thực và nhân văn cao cả.
Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công tác chăm sóc sức khỏe học đường nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung cho Nhân dân Việt Nam” – Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướngtin tưởng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, quyết tâm, ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, bạn bè quốc tế, sự tham gia hưởng ứng, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô, Chương trình Sức khỏe học đường sẽ được triển khai thành công, phát huy mạnh mẽ hiệu quả, tạo ra những bước đột phá trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.