Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

GD&TĐ - Ngày 6/5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đối với 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nhà nghiên cứu, các học giả đều nhận thấy, đây là vùng có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xây dựng đồng bộ hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác; là vùng duy nhất của cả nước có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân để đến năm 2020 có thể khởi công xây dựng sân bay.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu một số “điểm nghẽn” đối với hệ thống giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, giao thông đô thị đang là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tại, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống giao thông đô thị đang quá tải, nhiều nơi ùn tắc nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả hơn; phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương.

Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị tạo ra một “tài sản chung” nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả liên kết của các địa phương trong vùng, tạo điều kiện cho các địa phương cùng khai thác và sử dụng chung tài sản đó. Trên cơ sở đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành lập “quỹ hội đồng vùng” được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ