Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển

GD&TĐ - Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan, đồng thời trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11
Thủ tướng Chính phủ phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11

Nguy cơ lớn nhất là sợ trách nhiệm

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để chúng ta đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, cũng là dịp nhận diện rõ hơn những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ. Tiếp nối truyền thống đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xã hội bình yên, thịnh vượng. Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.

Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Thủ tướng khẳng định, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu dân. Cả hệ thống chính trị cam kết nỗ lực cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

Lắng nghe dân, không nhân nhượng với xâm phạm chủ quyền

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc trong không khí dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Phiên chất vấn trả lời chất vấn đã cho thấy sự năng động và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri. Nó cũng cho thấy trách nhiệm, trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. 

Liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Thủ tướng cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta.

Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn

Thủ tướng cho biết, trong năm 2020, chúng ta đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các đại biểu Quốc hội. Thành tựu hơn 30 năm đổi mới, hội nhập của Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây có sự đóng góp, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển, Chính phủ các nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng của bạn bè quốc tế.

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm như: Về giải ngân vốn đầu tư công; dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu; vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh; công tác bảo vệ môi trường; các vấn đề xã hội; về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ; đấu tranh chống tham nhũng; an ninh, trật tự.

Sau phần báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan như: Đánh giá lại quy mô GDP; quản lý việc cung ứng nước sạch; giải pháp để phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp tận dụng cơ hội để phát triển đất nước trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc; giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế tư nhân... 

 “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn. Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – Thủ tướng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ