Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Khả năng cạnh tranh quốc gia còn thấp kém”

GD&TĐ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn chung, khả năng cạnh tranh quốc gia còn thấp kém, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ những điểm khúc mắc để tháo gỡ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (ảnh VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (ảnh VGP)

Chiều 28/12, Chính phủ tiếp tục phiên thảo luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh/thành trong cả nước. Sau khi nghe báo cáo của 5 Bộ trưởng (KH-ĐT, NN&PTNT, Tư pháp, Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định những vấn đề đưa ra rất quan trọng, liên quan tới cả công việc của trung ương và địa phương.

Thủ tướng khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ còn nhiều khó khăn. Ở nhiều ngành, địa phương vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, khả năng cạnh tranh quốc gia còn thấp kém, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ những điểm khúc mắc để tháo gỡ.

Thủ tướng cũng nêu nghịch lý khi nhiều địa phương làm tốt như Đồng Tháp với mô hình cà phê doanh nhân, rồi Quảng Ninh với mô hình một cửa - một cửa liên thông. Ngược lại, nhiều nơi khác, bộ máy vẫn không chịu vận động, vẫn trì trệ, nặng nề.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2017, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã cắt giảm được hơn 5.000 thủ tục.

Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng… đã làm tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục.

“Dám cắt bỏ quyền lực của mình là rất dũng cảm. Bộ Tư pháp cần tiếp tục giúp cho Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng – PV) thực hiện tốt hơn việc này. Đây là việc rất quan trọng nhưng cũng phức tạp, cần phải quan tâm sát sao vì có thể cắt thủ tục này thủ tục khác lại… mọc, do quan điểm bảo vệ quyền lợi của các ngành” – Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Liên hệ với nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá, việc xây dựng Chính phủ điện tử hiện vẫn khó khăn vì nhiều việc đã nói mà không được triển khai, không được làm rốt ráo. Đề bài lãnh đạo Chính phủ nêu ra là làm sao để năm 2018 triển khai cho được việc này.

“Tới đây anh Lê vĩnh Tân (Bộ trưởng Nội vụ - PV) cùng với anh Mai Tiến Dũng phải lập thêm 1 tổ công tác nữa để hỗ trợ, nếu không nhiều việc quá, tổ công tác làm không xuể. Có những nơi, có những địa phương, Thủ tướng nói mà người đứng đầu cũng có làm đâu” – Thủ tướng phê bình.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định hiện tượng người dân ở khắp nơi kéo về Hà Nội, TPHCM để khiếu nại là do lãnh đạo không chịu đối thoại với dân. “Đó là do chúng ta không chịu đối thoại với dân, cứ phó mặc đám đông kéo nhau đi, đẩy việc lên cấp trên trong khi các khiếu nại hầu hết là về lĩnh vực đất đai, thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền xã, huyện, tỉnh” - Thủ tướng nói.

“Giờ tỉnh nào có dân đi khiếu nại, tôi sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên để nhận dân về”, Thủ tướng quán triệt quan điểm. “Người dân tỉnh nào khiếu nại thì chủ tịch tỉnh đó nhận dân về mà giải quyết, chúng tôi không giải quyết thay cho các đồng chí được đâu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh.

Về vấn đề cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mỗi cơ quan phải xác định được bắt đầu đi từ đâu, xây dựng kế hoạch từ trên Trung ương tới chiến lược quốc gia với từng địa phương.

“Thế giới đã làm rất mạnh mẽ mà mình chưa biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào thì việc thực hiện nhiệm vụ này rất khó khăn. Một câu hỏi đặt ra và trả lời là công nghệ 4.0 là phải làm gì và bắt đầu từ đâu, nói thành phố thông minh thì cũng phải biết sẽ bắt đầu từ đâu”, Thủ tướng nói.

Liên hệ câu chuyện tiếp tỷ phú Jack Ma, ông chủ trang bán hàng trực tuyến Alibaba về nền kinh tế số mới đây, Thủ tướng so sánh việc một mình Jack Ma dùng công nghệ bán hàng qua mạng làm ra hàng ngàn tỷ đồng/năm với việc người Việt Nam đang mò mẫm bán nông sản qua điện thoại và khẳng định rõ nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với thế giới.

“Nói phải đi đôi với làm. Lãnh đạo mà không kiểm tra, đôn đốc thì không ai làm cả. Cái ý tôi nói là ‘trên nóng, dưới lạnh’ chính là thế. Tôi nhắc lại, chúng ta phải sát sao hơn nữa, phải đôn đốc để thực hiện thành công mục tiêu Chính phủ đã đề ra”, Thủ tướng chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.