Theo Thủ tướng, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Khi kinh tế càng phát triển thì chúng ta càng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và chính sự năng động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực bền vững cho phát triển. Đó phải chăng là vòng xoay thăng tiến của thịnh vượng, đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng.
Đánh giá giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, Thủ tướng nhấn mạnh, các giá trị văn hóa dân tộc được củng cố và phát huy, đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước.
Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm học 2019-2020 đã hoàn thành kế hoạch, bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, sinh viên và giáo viên, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, tự chủ đại học được đẩy mạnh, việc kiện toàn hội đồng trường được triển khai quyết liệt. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.
Báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 cũng cho thấy, bên cạnh phát triển kinh tế, nhiệm kỳ này Chính phủ cũng tập trung phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam cùng với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần lan tỏa những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta trên mọi miền Tổ quốc và trên khắp thế giới luôn hướng về quê hương, đất nước.
Với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển giáo dục; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 Trung ương 8 (khóa XI).
Ban hành Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Phê duyệt và triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025; tập trung đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đến tháng 7/2017, có 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học; rà soát, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025....
Triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đã điều chỉnh phân công cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; triển khai tích cực Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Kết quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5% năm 2020; trong đó, tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên 24,5% năm 2020.