Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trần Đức Lương, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo một số tỉnh bạn và hàng vạn đồng bào xứ Thanh đã về dự buổi lễ.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khai mạc buổi lễ. |
Trong diễn văn khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nêu bật ý nghĩa của 990 năm Thanh Hóa. Đồng thời khẳng định: Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể khẳng định: Vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - Cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc, để vững tin và quyết tâm chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hóa nhanh chóng trở thành một "tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khẳng định: Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, “địa linh, nhân kiệt” và khoa bảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ |
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi...Những năm gần đây, Thanh Hóa đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực và đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn mạnh của khu vực Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khai thác và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng kiên cường, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống vùng quê “Địa linh nhân kiệt”, với truyền thống anh hùng cách mạng...
Một trong những tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đêm Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. |
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”, với sự tham gia biểu diễn của 500 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp đến từ nhiều đoàn nghệ thuật trong tỉnh và Trung ương.
Chương trình nghệ thuật được chia làm 3 chương, với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch thông qua lời dẫn, lời bình và các thủ thuật đạo diễn. Chương thứ nhất là Địa linh nhân kiệt, với các trường đoạn “Hồn thiêng sông núi”, “Hội thề Đồng Cổ”, “Gọi tên quê hương”. Mở đầu trường đoạn “Hồn thiêng sông núi” là cảnh 12 vị tướng quân như hồn thiêng sông núi từ tám phương trời tụ hội kết hợp với trống tuồng và lời bình.
Mặc dù trời mưa nặng hạt, nhưng hàng vạn người dân Thanh Hóa vẫn kéo về dự buổi lễ. |
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa
Theo đó, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình ( Nông Cống, Thanh Hóa), do Tập đoàn TH True Milk đầu tư, có tổng số vốn 3.800 tỷ đồng, quy mô nuôi khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày.
Dự án quy hoạch sử dụng 1.354 ha đất, trong đó đất trang trại và xây dựng nhà máy chế biến sữa 165 ha, đất trồng cỏ 1.189 ha. Dự án được đầu tư sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các ban, ngành tiến hành nghi thức khởi công dự án chăn nuôi bò sữa |
Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động tham gia vào quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi bò, chế biến sữa, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống của người chăn nuôi.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác cũng đã thăm Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, đến thăm cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa...