Thủ tướng chủ trì họp Tiểu ban KT-XH với TPHCM và một số địa phương

GD&TĐ - Ngày 7/5, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII có cuộc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương Nam Bộ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Tiểu ban với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Ngày 23/4 vừa qua, Tiểu ban đã có cuộc làm việc đầu tiên với TP Hà Nội và 12 địa phương lân cận.

Tham dự cuộc làm việc có các thành viên Tiểu ban; lãnh đạo TPHCM cùng 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, yêu cầu trong việc xây dựng 2 văn kiện là kế thừa, phát huy thành quả của 30 năm Đổi mới, với tinh thần lớn là đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc làm việc chủ yếu dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến từ các địa phương về thực trạng tình hình, đánh giá, kiến nghị, đề xuất phương hướng nhiệm vụ 5 năm, 10 năm, tầm nhìn đến 2045. Từ đó, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung của cả nước đề xây dựng 2 báo cáo trình Đại hội Đảng XIII là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.

Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có TPHCM. Trên cơ sở đó, Tiểu ban xây dựng đề cương chi tiết để báo cáo Trung ương tại kỳ họp tới. Cho nên, để hoàn thiện đề cương báo cáo và báo cáo đầy đủ, thì việc tổng hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị, đề xuất từ các địa phương là hết sức quan trọng.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung, gồm những nét nổi bật về kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong 5 năm qua, đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, thành công, hiệu quả, những vướng mắc, nút thắt, vấn đề trọng tâm nhất cần giải quyết ở địa phương. Thủ tướng cho rằng, không chỉ nói tình hình, thành công, kết quả… mà cần đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo thời gian tới.

Với TPHCM, Thủ tướng đưa ra yêu cầu cần làm rõ việc phát huy vai trò của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp thời gian tới.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các thành quả, đóng góp của các địa phương trong vùng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, TPHCM và 7 tỉnh Nam Bộ này còn đối diện với nhiều tồn tại, bất cập, nhất là hạ tầng kết nối, an ninh an toàn xã hội, kinh tế và văn hóa, thậm chí là chất lượng phát triển

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến khẳng định, TPHCM và 7 tỉnh tiếp tục là vùng động lực phát triển của đất nước. Do vậy, tư duy và hành động của chúng ta phải làm cho kinh tế - xã hội vùng này phát triển hơn, bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là lo cho dân ấm no, hạnh phúc, an toàn. Phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển xanh. Chú trọng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0.

Thủ tướng lưu ý, kết nối hạ tầng là một vấn đề lớn, một điểm nghẽn cần giải quyết; phải tổ chức thực hiện liên kết vùng một cách khách quan, trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, cải cách bộ máy vì yếu tố con người là quan trọng nhất. Cán bộ cần có tầm nhìn, tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.