Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”!

GD&TĐ - Gửi lời tri ân đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – bày tỏ: Từ đáy lòng, mọi người dân Việt Nam luôn tri ân và bằng tình yêu thương sâu nặng, luôn quan tâm chăm sóc, để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công. - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công. - Ảnh: VGP

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-liệt sĩ.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Hội nghị chúng ta vui mừng được đón 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện cho hàng trăm nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước; 30 đại biểu đại diện cho hàng nghìn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 500 đại biểu đại diện cho hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh, những người đã anh dũng chiến đấu nơi chiến trường và 125 thân nhân liệt sĩ, người có công đại diện cho hàng triệu gia đình người có công, trong đó có người là vợ, có người là con của liệt sĩ. Họ đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua khó khăn, đau thương, mất mát, nỗ lực phấn đấu học tập, lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc". Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc". Ảnh: VGP

Những bông hoa tươi thắm…

 Chúng ta trân trọng và khâm phục sự nỗ lực vươn lên của những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng mà 700 đại biểu có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu.

Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.

Thủ tướng – khẳng định: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, không quản hy sinh, xả thân gìn giữ và xây đắp non sông gấm vóc Việt Nam.

Ngày nay, đất nước đã độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, chúng ta được sống cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc là nhờ có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương, trí tuệ, công sức, tài sản cho sự nghiệp cách mạng cao cả.

Nhấn mạnh đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – cho biết: Trong những năm qua, chúng ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện, mở rộng đối tượng; dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng mức hỗ trợ ngày càng tăng.

Đến nay, chúng ta thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, gần 1,2 triệu liệt sĩ; 127 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800 ngàn thương binh, bệnh binh; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến.

Đảm bảo chất lượng cuộc sống của gia đình người có công

Gửi lời tri ân đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – bày tỏ: Từ đáy lòng, mọi người dân Việt Nam luôn tri ân và bằng tình yêu thương sâu nặng, luôn quan tâm chăm sóc, để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”!

Trong hòa bình, phát huy bản chất Bộ đội cụ Hồ, các anh đã hòa mình vào cuộc sống, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân và vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Tuy nhiên, chúng ta chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta.

Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Các đại biểu dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu. - Ảnh: VGP
 Các đại biểu dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu. - Ảnh: VGP

6 nhiệm vụ trọng tâm với người có công

 Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, chúng ta nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào; đoàn kết một lòng xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Một là, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Ba là, bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Bốn là, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.

Năm là, phát triển sâu rộng các phong trào ""Đền ơn đáp nghĩa"", ""Uống nước nhớ nguồn"", "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng""… với nhiều chương trình phong phú, thiết thực, để cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công với cách mạng.

Sáu là, thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con anh dũng đã ngã xuống. Với những hy sinh mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất.
Chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu, làm hết sức mình, giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.