Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đại học Huế phải là một trung tâm đổi mới

GD&TĐ - Sáng 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Đại học (ĐH) Huế. Cùng tham gia có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên-Huế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện, hỏi thăm các cán bộ giảng viên ĐH Huế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện, hỏi thăm các cán bộ giảng viên ĐH Huế

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích mà ĐH Huế đạt được thời gian qua; đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, không chỉ để nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần đẩy mạnh yêu cầu tự chủ ĐH.

Nhấn mạnh tự chủ là lối ra cho ĐH Việt Nam, Thủ tướng cũng phân tích: “Mô hình để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và ĐH có thể phát triển, có thể phục vụ tốt nhất cho giảng dạy, cho SV."

Từ đó, Thủ tướng nêu định hướng một số vấn đề lớn đối với ĐH Huế. Đó là phải quan tâm đồng thời cả trí thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm và phải gắn với thực tiễn, giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động.

Phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu, hướng tới các chuẩn mực quốc tế mà khắc phục nhược điểm SV không chỉ tự tìm việc mà tạo lập khởi nghiệp. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới tư duy dạy và học, thay đổi phương pháp cung cấp kiến thức, phát huy chủ động sáng tạo của người học.

Đến nay, ĐH Huế có 119 ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 52 chuyên ngành đào táo tiến sĩ, 39 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II, 33 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, 8 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 17 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học.

Quản trị ĐH đang chuyển dịch từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và tự chủ cho cơ sở GD. Tự chủ cho ĐH phải mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị ĐH trên thế giới.

Thủ tướng lưu ý không được tự hài lòng, không chủ quan với những gì đã đạt được mà phải tích cực, chủ động hơn trong công việc của mình với tư cách một trường ĐH. Các trường thành viên phải mạnh dạn đứng ra tự chủ động về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, cơ chế, nhân sự, về mọi mặt trong hoạt động của ĐH, theo lộ trình, đề án cụ thể. Huế phải là một trung tâm đổi mới và ĐH Huế cũng phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển GD ĐH.

Các sản phẩm đầu ra của ĐH Huế phải được đo lường thường xuyên và công khai, phải được quốc tế và trong nước công nhận, phải xem mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học, ngành học, giảng viên, đặc biệt những kiến thức đó phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống. Phải kết nối với các nhà tuyển dụng trong đào tạo, tổ chức các chương trình hướng nghiệp, các mạng lưới sinh viên rộng rãi, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương…, không phải nhà trường chỉ trong bốn bức tường, nếu như vậy thì chưa phải thành công của ĐH Huế…

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giải đáp các kiến nghị của Đại học Huế với tinh thần tạo điều kiện để ĐH Huế ngày càng phát triển hơn nữa.

Một trong những yêu cầu được Thủ tướng đặt ra cho ĐH Huế là cần phải chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ cao. Theo Thủ tướng, giảng viên ĐH Huế không những là nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là tư vấn, phản biện chính sách giỏi cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phải tạo điều kiện cho SV phát huy năng lực bản thân và có lý tưởng, hoài bão.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ