3 mô hình khả thi trong bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - TS. Trần Kiêm Minh và PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân (Trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế) tổng hợp một số mô hình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên trên thế giới, phân tích các nguyên tắc cơ bản để phát triển một chương trình bồi dưỡng giáo viên hiệu quả; từ đó, đưa ra một số đề nghị đối với việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trong ngữ cảnh Việt Nam.

3 mô hình khả thi trong bồi dưỡng giáo viên

Đây là những chia sẻ được công bố tại hội thảo do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT (ETEP) - Bộ GD&ĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức tháng 11/2017 tại Hà Nội.

Mô hình tập huấn

Mô hình tập huấn gần đây được xem như là hình thức chủ yếu trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Một hoặc một số chuyên gia sẽ cung cấp cho giáo viên các kỹ năng cập nhật trong lĩnh vực chuyên môn. Các khóa tập huấn này thường được diễn ra bên ngoài ngữ cảnh lớp học ở trường phổ thông và vì vậy có ít kết nối với thực tế lớp học.

Mô hình tập huấn dường như tương thích với quan điểm phát triển nghiệp vụ dựa trên chuẩn, ở đó giáo viên cố gắng chứng tỏ đạt được những chuẩn kỹ năng yêu cầu theo quy định.

Điểm hạn chế của mô hình tập huấn là ở chỗ kiến thức và kỹ năng mới được truyền thụ theo cách không gắn kết với ngữ cảnh thực tế lớp học cũng như vai trò thụ động trong tiếp nhận kiến thức và kỹ năng của giáo viên.

Cho dù có những hạn chế, mô hình tập huấn cũng được xem là một hình thức bồi dưỡng hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng mới cho giáo viên.

Mô hình Thiếu hụt

Theo mô hình này, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ có thể được thiết kế một cách đặc thù để hướng đến bổ sung những thiếu hụt trong kiến thức và năng lực của từng cá nhân giáo viên.

Giáo viên tập hợp lại những thắc mắc, vấn đề cần trao đổi theo những chủ đề, từ đó các giảng viên hay chuyên gia có thể thiết kế các khóa tập huấn phù hợp nhằm lấp đầy những thiếu hụt của giáo viên.

Mô hình thác nước

Theo mô hình này, trước hết một số giáo viên được chọn lựa (hoặc tự do) để tham gia các khóa tập huấn về nghiệp vụ. Sau đó, các giáo viên này sẽ tập huấn lại hoặc chuyển giao nội dụng tập huấn cho các đồng nghiệp của mình. Mô hình trên thường được sử dụng khi nguồn lực cho các khóa tập huấn hạn chế.

 Một trong những hạn chế của mô hình này đó là: thông thường, qua quá trình chuyển giao hay tập huấn lại (quá trình thác nước), các vấn đề được tập trung chủ yếu là kiến thức và kỹ năng, mà ít khi tập trung vào các giá trị.

Hạn chế này cũng phù hợp với quan điểm của nhiều nhà giáo dục, khi họ cho rằng đào tạo giáo viên cần chuyển từ việc tập trung vào các câu hỏi “Cái gì” (Kiến thức) và “Như thế nào” (Kỹ năng) sang câu hỏi “Tại sao”.

Như vậy, mô hình Thác nước hỗ trợ quan điểm của các nhà kỹ thuật về việc dạy, ở đó kiến thức và kỹ năng được cung cấp ưu tiên hơn so với thái độ và các giá trị. Mô hình này xem nhẹ các ngữ cảnh học tập, mà cho rằng bản thân tri thức tự nó là thành phần quan trọng chứ không phải ngữ cảnh để đạt được hay sử dụng nó.

Tổng hợp đặc trưng của các mô hình nhóm 1

Mô hình

Đặc điểm

Mô hình tập huấn

Mô hình thiếu hụt

Mô hình thác nước

· Tập trung vào đào tạo kỹ năng

· Không nhận ra các nhu cầu học có tính trải nghiệm, thực hành, tự định hướng và phản ánh của giáo viên

· Phù hợp với các tiếp cận dạy học hành vi, chuyển tải kiến thức

· It có các kết nối

· Không đề cập đến các yếu tố quan niệm, thái độ, giá trị của giáo viên

· Bỏ qua các khía cạnh xã hội và kiến tạo của việc học của giáo viên

· Tính tự chủ nghề nghiệp thấp

· Mang tính hình thức và kế hoạch, được chuyển gia từ các chuyên gia bên ngoài

Mô hình dựa trên chuẩn

Mô hình dựa trên chuẩn trong phát triển nghiệp vụ cho giáo viên xem nhẹ khái niệm dạy học như là một hoạt động phức hợp, thay vào đó nó giả sử tồn tại một hệ thống dạy học hiệu quả, và không mang tính linh hoạt trong việc học nghiệp vụ của giáo viên. Quan niệm này của Mô hình dựa trên chuẩn hạn chế các cơ hội đối với các hình thức bồi dưỡng thường xuyên thay thế cho giáo viên.

Mô hình dựa trên chuẩn chủ yếu quan niệm việc dạy học dựa trên thuyết hành vi, tập trung vào năng lực của từng cá nhân giáo viên, chứ không chú trọng khía cạnh cộng đồng học tập của giáo viên trong phát triển nghiệp vụ.

Mô hình hướng dẫn

Mô hình này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ 1-1 giữa hai giáo viên để hỗ trợ việc phát triển nghiệp vụ. Trong hai giáo viên này, có một giáo viên mới vào nghề và một giáo viên đã có kinh nghiệm.

 Chẳng hạn, ở Scotland, mỗi giáo viên mới vào nghề đều phải có một giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn quá trình phát triển nghiệp vụ và tham gia vào đánh giá năng lực nghiệp vụ của giáo viên mới đó.

Quan niệm chủ đạo của mô hình hướng dẫn đó là việc phát triển nghiệp vụ của giáo viên có thể diễn ra trong ngữ cảnh nhà trường và có thể được thúc đẩy bởi việc chia sẻ trao đổi với đồng nghiệp có kinh nghiệm.

Mô hình Cộng đồng thực hành

Mô hình này dựa trên lý thuyết về việc học mang tính xã hội của Wenger (1998), cho rằng việc học trong một cộng đồng thực hành xảy ra như là một kết quả của cộng đồng đó và những tương tác trong giữa các thành viên. Cộng đồng thực hành đó thường bao gồm một nhóm giáo viên và một số giảng viên ở trường sư phạm.

Tổng hợp đặc trưng của các mô hình nhóm 2

Mô hình

Đặc điểm

Mô hình dựa trên chuẩn

Mô hình hướng dẫn

Mô hình cộng đồng thực hành

· Việc học (nghiệp vụ) mang tính xã hội, như là kết quả của quá trình tương tác, trao đổi với đồng nghiệp, chuyên gia

· Chú trọng đến yếu tổ ngữ cảnh và xã hội của việc học

· Chú trọng mối liên hệ giữa các thành viên trong một nhóm hay cộng đồng thực hành

· Chú trọng đến tính độc lập cá nhân trong phát triển nghiệp vụ

Mô hình nghiên cứu hành động

Nghiên cứu hành động như là việc nghiên cứu một tình huống mang tính xã hội, liên quan đến chính những người tham gia là các nhà nghiên cứu, với một cách nhìn nhằm cải tiến chất lượng hành động trong tình huống đó.

Chất lượng hành động ở đây có thể xem như việc hiểu của người tham gia về tính huống, cũng như thực hành trong tình huống đó. Những người ủng hộ mô hình Nghiên cứu hành động cho rằng mô hình này có một tác động lớn trong thực hành,khi nó được chia sẻ trong các cộng đồng thực hành.

Burbank & Kauchack (2003) cho rằng nghiên cứu hành động hợp tác cung cấp một phương tiện thay thế cho vai trò thụ động của giáo viên trong các mô hình phát triển nghiệp vụ truyền thống. Mô hình Nghiên cứu hành động trong phát triển nghiệp vụ đã được xem như là mô hình thành công trong việc cho phép giáo viên đặt ra những câu hỏi mang tính phản biện đối với thực hành dạy học của họ.

Mô hình chuyển đổi

Đặc trưng chủ đạo của Mô hình chuyển đổi là sự kết hợp của các đặc trưng của các mô hình phát triển nghiệp vụ ở trên với mục tiêu làm chuyển đổi thực hành dạy học của giáo viên theo hướng tích cực hơn.

Tổng hợp đặc trưng của nhóm 3

Mô hình

Đặc điểm

Mô hình nghiên cứu hành động

Mô hình chuyển đổi

· Chú trọng đến việc học và kiến tạo kiến thức cho người học

· Tiếp cận mang tính kiến tạo, tự định hướng, linh hoạt

· Được thiết kế và thực thi bởi chính những người tham gia

Mô hình Trường phát triển nghiệp vụ

Trường phát triển nghiệp vụ là mô hình đối tác giữa giáo viên, các nhà quản lý, và các giảng viên đại học được tạo ra để cải tiến việc dạy và học, và cũng để thống nhất giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo giáo viên. Mô hình này cung cấp cơ hội phát triển nghiệp vụ và trải nghiệm cho cả giáo viên đang giảng dạy và những giáo viên tương lai.

Mô hình Mạng lưới giáo viên

Theo mô hình này, các giáo viên hình thành các mạng lưới để kết nối và chia sẻ những vấn đề họ trải nghiệm trong công việc dạy học, từ đó thúc đẩy việc học nghiệp vụ của cá nhân và nhóm. Những mạng lưới này có thể được hình thành một cách không chính thức giữa các giáo viên, hoặc chính thức thông qua các trường học. Mô hình mạng lưới giáo viên này tương đồng với mô hình Cộng đồng thực hành ở trên.

Mô hình đào tạo từ xa

Mô hình này tập trung vào việc thiết kế và thực hiện các khóa học trực tuyến qua mạng, đặc biệt là các khóa học trực tuyến quy mô lớn miễn phí (MOOC) như là một hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho giáo viên. Các mô hình giáo dục từ xa này có nhiều ưu điểm, chẳng hạn như gia tăng khả năng tiếp cận khóa học đối với số lượng lớn người học, cũng như sự linh hoạt trong thời khóa biểu. Các mô hình này thúc đẩy tính hợp tác, và đặc biệt hiệu quả hơn các mô hình khác về mặt chi phí.

Tổng hợp đặc trưng của Nhóm 4

Mô hình

Đặc điểm

Mô hình Trường phát triển nghiệp vụ

Mô hình Mạng lưới giáo viên

Mô hình giáo dục từ xa

· Mang tính cộng đồng thực hành và phát triển

· Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành

· Tận dụng tiềm năng của công nghệ và mạng xã hội

Khả năng vận dụng vào Việt Nam

Những mô hình sau đây có thể được vận dụng để triển khai bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên ở Việt Nam:

Mô hình tập huấn: Có thể tập huấn trên những đối tượng giáo viên chọn lọc (kết hợp với mô hình thác nước), và ngữ cảnh các khóa tập huấn có thể diễn ra ngay chính trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Mô hình đào tạo từ xa: Các chuyên gia, giảng viên trường sư phạm có thể thiết kế các khóa tập huấn trực tuyến để giáo viên học qua mạng, đặc biệt là hình thức các khóa học trực tuyến mở quy mô lớn (MOOC).

Mô hình kết hợp: Kết hợp giữa Mô hình tập huấn truyền thống và Mô hình đào tạo từ xa qua mạng: các chuyên gia sẽ thiết kế các khóa học trực tuyến. Giáo viên có thể tự học qua mạng và đặt ra các vấn đề cần thảo luận, trao đổi. Sau đó, chuyên gia và giáo viên có những buổi gặp mặt trực tiếp để thảo luận, tổng kết khóa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.