Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp.
Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến NSLĐ và đề ra các giải pháp cải thiện NSLĐ quốc gia.
Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động.
Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần.
Ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng NSLĐ ở Việt Nam là quy mô nền kinh tế còn nhỏ; quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập; khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế.
Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.
Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
Để bắt kịp các nước về NSLĐ, Việt Nam cần nâng cao NSLĐ trong các doanh nghiệp và tập trung tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong tăng năng suất nền kinh tế.