Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, nêu vấn đề, đối với người khuyết tật (NKT), quan điểm có xem người tự kỷ là NKT không vì Luật không quy định, nhưng văn bản dưới Luật xem đây là dạng khuyết tật khác. Tuy nhiên lại không cụ thể hóa dạng khuyết tật và hướng tiếp cận, xử lý về chính sách. Vì vậy, nhiều trường hợp người tự kỷ gần như không tiếp cận được chính sách.
Về vấn đề xác nhận mức độ khuyết tật, việc này được giao cho hội đồng cấp xã, thời gian qua mới đạt được 25%, với khoảng 1,5 triệu người được cấp chứng nhận khuyết tật. Qua kiểm tra giám sát cho thấy địa phương thiếu kinh phí, nên đây là thiệt thòi lớn ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NKT, cũng từ vấn đề này làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo…
Giải trình cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây tại các địa phương có 2 đối tượng gia tăng rất nhanh là người tự kỷ là người bị tâm thần. Nhiều địa phương đã đề nghị cho xây bệnh viện tâm thần, nhiều nơi chưa xây được phải ghép vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Thâm chí có nơi ghép cả người tâm thần với người cai nghiện ma túy... Vấn đề này cũng đã được Bộ kiên quyết xử lý.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định Người tự kỷ là Người khuyết tật, đã được đưa vào Thông tư 01 năm 2019. Tuy nhiên quá trình triển khai xuống cơ sở còn mới nên chưa thực hiện tốt. Thời gian tới, vấn đề này sẽ được chú trọng hơn. Về tỷ lệ NKT đi giám định còn ít, vì trong Luật quy định khi đi giám định NKT, cấp xã phải lo kinh phí, trong khi cấp xã còn nhiều khó khăn, đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi chính sách.