Thủ tướng: Ngày hội Đoàn kết là hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân

GD&TĐ - Dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở Bắc Giang, Thủ tướng cho biết những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều xuống với dân, “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”. Ngày hội Đại đoàn kết có ý nghĩa lớn lao, là hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân mà một bộ phận cán bộ mắc phải.

Thủ tướng chào hỏi bà con thôn Nội Ninh đến dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng chào hỏi bà con thôn Nội Ninh đến dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 10/11, tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018).

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Chung vui ngày hội đoàn kết toàn dân với bà con tại nhà văn hóa của thôn, Thủ tướng bày tỏ “điều đầu tiên chúng tôi thấy được là tình cảm rất chân thành, mộc mạc của bà con thôn Nội Ninh”. Thủ tướng cho rằng, Nội Ninh có cơ sở vật chất, không khí sinh hoạt văn hóa hết sức sôi nổi. Đây là điều đáng quý ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, địa linh nhân kiệt, nơi có “truyền thống khoa bảng tự hào, vùng quê nuôi nấng biết bao tâm hồn”.

Nói về truyền thống đại đoàn kết, Thủ tướng cho biết trong cả nước, có trên 100.000 khu dân cư tổ chức ngày hội này. Những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều xuống với người dân, “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”.

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn lao, là một hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân mà một bộ phận cán bộ mắc phải. Đối với khu dân cư, đây là dịp tổng kết tình làng nghĩa xóm, sự đóng góp của mỗi người dân trong việc xây dựng thôn, làng. Đây cũng là diễn đàn dân chủ ở nông thôn, tập hợp sức mạnh của người dân.

“Tôi rất chú ý bài phát biểu của đồng chí Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn, nội dung súc tích, nêu được mặt nổi trội ở địa phương mà chúng ta đạt được, thành quả đó chính là chúng ta biết phát huy sức mạnh dân chủ ở địa bàn”, Thủ tướng nói.

Vì thế, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa lớn lao mà mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu hơn, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, ở cơ sở. “Cán bộ, đảng viên ngoài năng lực, phẩm chất hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phong cách, tư tưởng, tinh thần đoàn kết là một tiêu chuẩn quan trọng”, Thủ tướng nói và bày tỏ mong muốn trên 100.000 khu dân cư tổ chức ngày hội đoàn kết sôi nổi như ở thôn Nội Ninh để người dân thảo luận, trao đổi “việc nước, việc nhà”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh vai trò đoàn kết trong công cuộc phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đất nước chuyển mình mạnh mẽ, vượt lên khó khăn. Năm nay, tình hình có nhiều tiến bộ, phát triển tương đối toàn diện, không chỉ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà đặc biệt đời sống nhân dân được nâng lên, “chứ nói thành tích mà người dân còn nghèo đói thì làm sao có thể là thành tích được”. Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng về đời sống của người dân ở Bắc Giang được cải thiện với thu nhập bình quân đạt gần 36 triệu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9%.

Với thôn Nội Ninh, đây là vùng quê xanh, sạch, kiểu mẫu về nông thôn mới. 92% là hộ gia đình văn hóa. Gần 100% dân số có thẻ bảo hiểm y tế trong khi cả nước mới đạt khoảng 86%. Thủ tướng đánh giá cao phong trào dân chủ cơ sở trong thôn, nhất là việc giám sát trong xây dựng đường làng, công trình văn hóa hết sức dân chủ, công khai; việc thực hiện hương ước, quy ước trong thôn đã kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, bất hòa, bảo đảm an ninh trật tự. Công tác hòa giải ở Nội Ninh là bài học kinh nghiệm tốt cho các địa phương cũng như đối với ngành tòa án.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra một số mặt tồn tại ở nông thôn như vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là việc mà từng gia đình, từng khu dân cư phải nỗ lực, có giải pháp khắc phục. Hay vấn đề tệ nạn xã hội ở nông thôn cần quan tâm giải quyết hơn nữa, đặc biệt là tệ nạn ma túy, một bộ phận lớp trẻ chưa gắn bó với phong trào thanh niên.

Thủ tướng mong muốn mỗi dịp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết là dịp bà con cùng bàn "việc nước, việc nhà". Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng mong muốn mỗi dịp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết là dịp bà con cùng bàn "việc nước, việc nhà". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng mong chi bộ thôn, trưởng thôn, ban công tác mặt trận quan tâm hơn nữa để khắc phục bất cập, đáp ứng nguyện vọng xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh. Bà con cần tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn; tiếp tục quan tâm xây dựng nông thôn mới; giữ gìn truyền thống gia đình, dòng họ hiếu học; tránh những tranh chấp, mâu thuẫn, căng thẳng không đáng có trong gia đình, trong khu dân cư gây mất đoàn kết; nhân lên tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư; đồng thời, cần phát huy phong trào tự quản, tự rèn trong thôn, trong từng gia đình.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đẩy mạnh các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hiệu quả phong trào giúp nhau giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy mặt tốt, khắc phục nhanh tồn tại, bất cập, yếu kém để làm sao nhân dân tin tưởng, nên “cái đầu tiên tôi đề nghị là chúng ta phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, như chống quan liêu, xa dân, không lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Ban công tác Mặt trận Khu dân cư thôn Nội Ninh, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trên địa bàn. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm. Cả thôn hiện còn 16 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,9%, giảm 4,7% so với năm 2017. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” ngày càng được chú trọng. Năm 2018, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 92%. Đến nay, 99,5% người dân trong thôn có thẻ bảo hiểm y tế và phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ này là 100%. Hiện toàn bộ các gia đình trong thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Việc xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong thôn.

Thủ tướng tặng quà cho nhân dân thôn Nội Ninh. VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng tặng quà cho nhân dân thôn Nội Ninh. VGP/Quang Hiếu
Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...