Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà Đà Nẵng đạt được thời gian qua, như đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số ở mức cao. Thương hiệu Đà Nẵng, nhất là về du lịch, môi trường, an toàn bước đầu được khẳng định. Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 9 tháng qua đạt kết quả tốt. Cơ cấu nguồn thu của Đà Nẵng không chỉ dựa vào đất đai mà từ sản xuất, kinh doanh nội địa, với xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
“Tôi thấy ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nêu rất sâu sắc về tốc độ, quy mô, chất lượng phát triển của thành phố như thế nào để xứng tầm là trung tâm của khu vực trong khi các tỉnh trong khu vực cũng phấn đấu phát triển”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, quy mô nền kinh tế, năng lực sản xuất, dịch vụ của Đà Nẵng còn thấp, nhất là quy mô công nghiệp, thu ngân sách. Chưa có các dự án động lực cho sự phát triển. Đất đai hạn hẹp, chia cắt.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Thành phố phải quyết tâm, phấn đấu phát triển thành phố như một Singapore, một Hong Kong trong tương lai. Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn của Đà Nẵng là trở thành thành phố thông minh, thành phố của khoa học công nghệ, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, một trung tâm giao thương quốc tế, cạnh tranh với các thành phố lớn của khu vực và thế giới, mà trước hết là Singapore và Hong Kong. Đà Nẵng phải là điểm đến của nhà đầu tư, du khách, hàng hóa, thu hút, hội tụ được nhân tài và những ý tưởng sáng tạo như những gì mà Singapore làm được trên bình diện thế giới.
Vì vậy, Thành phố phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển. Huy động tối đa quỹ đất để có nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng với tinh thần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Muốn phát triển du lịch thành mũi nhọn đột phá, Thành phố phải hoàn thiện hạ tầng, tiện ích công cộng, đào tạo nhân lực, quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch qua hành lang Đông-Tây là một hướng ra đối với Đà Nẵng.
Về liên kết vùng, Đà Nẵng có thể khai thác các vùng sản xuất hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao, quy mô lớn, chi phí thấp. Vì vậy, vấn đề đầu tư cơ bản kết cấu hạ tầng cho Đà Nẵng cần được đặt ra.
Cho rằng phong trào khởi nghiệp của Đà Nẵng chưa mạnh mẽ, Thủ tướng nhấn mạnh Thành phố phải xây dựng một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp, đặc biệt thu hút đầu tư tốt hơn, kể cả các dự án FDI công nghệ cao. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng đã không chấp nhận các dự án ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian qua.
Đà Nẵng cũng cần tập trung phát triển kinh tế biển, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nỗ lực xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, tìm người tài vào bộ máy. Tiếp tục thực hiện chương trình đề án, kế hoạch mà Đà Nẵng đề ra là “thành phố 5 không, 3 có”, “thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).
Chia sẻ với Đà Nẵng, ý kiến của các bộ, ngành cho rằng Đà Nẵng có diện tích nhỏ, nguồn đất hạn hẹp. Theo đại diện Bộ Xây dựng, Đà Nẵng có thể phát triển theo hướng như Hong Kong, Singapore. Đó là phát triển dịch vụ, du lịch, công nghệ cao, tránh những bất cập mà Hà Nội, TP.HCM đã gặp như ngập úng, ùn tắc.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với kiến nghị của Đà Nẵng, trong đó có các kiến nghị về cơ chế, chính sách như quy định về một số cơ chế đặc thù đối với Thành phố, cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao TP. Đà Nẵng, Cơ chế liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung…