Thủ tướng: 'Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó'

GD&TĐ - Thủ tướng đánh giá năm 2023 Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành số công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường cao tốc, đường vành đai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm khi ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong năm 2023, nhưng cũng lưu ý không "say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan."

Không nên say sưa với thắng lợi, lơ là chủ quan

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, sáng 28/12, nhìn nhận năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức, Thủ tướng cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Khẳng định trong thành tích chung của đất nước, có sự đóng góp lớn của ngành Giao thông Vận tải, cũng như các địa phương trong năm 2023, Thủ tướng cho biết: “Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo.”

Đặc biệt, đầu năm 2023, lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành Giao thông Vận tải từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước.

Lấy ví dụ từ việc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án cầu Mỹ Thuận 2 để cuối năm nay đưa vào khánh thành, khai thác, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần bám sát chỉ đạo và tiếp tục phân công lãnh đạo bộ thường xuyên kiểm tra các dự án để kịp thời nắm bắt khó khăn nhằm tháo gỡ kịp thời để đạt tiến độ, mục tiêu đề ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà Đảng và Nhà nước giao.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải khi xây dựng quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội thuận lợi và lợi thế cạnh tranh của đất nước, hoá giải được những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức mà ngành Giao thông Vận tải đang vướng; quy hoạch cũng cần phải có kết nối, sự bình đẳng giữa các địa phương, vùng miền; không chỉ kết nối vùng miền trong nước mà cần phải kết nối với quốc tế, nhất là các nước trong khu vực.

Biểu dương ngành Giao thông Vận tải đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, các cao tốc trục ngang, theo Thủ tướng, năm nay đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm, Bộ Giao thông Vận tải đã giữ được tinh thần "vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn."

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành hàng trăm kilomet đường cao tốc trong năm 2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành hàng trăm kilomet đường cao tốc trong năm 2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với một tinh thần làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, “3 ca, 4 kíp” của toàn ngành Giao thông Vận tải, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730km đường cao tốc, do đó Thủ tướng đề nghị tinh thần này cần phải chuyển tải đến các địa phương, các công nhân trên công trường.

Bên cạnh những thành tựu vẫn còn những vấn đề hạn chế, cần giải quyết nhanh, đồng bộ, Thủ tướng nhấn mạnh ngành Giao thông Vận tải không nên say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực cố gắng hơn nữa để khắc phục những tồn tại.

Kỳ vọng vào sự đột phá Dự án PPP giao thông

Bước sang năm 2024, Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực dẫn dắt trong xây dựng khảo sát thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm, từ đó góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp; phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực; tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Nhà thầu thi công nền đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công nền đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đánh giá việc triển khai các dự án PPP giao thông còn chưa được như kỳ vọng, theo Thủ tướng, nếu năm 2023, lần đầu tiên ngành Giao thông Vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần Dự án Cao tốc Bắc-Nam trực tuyến tại 12 điểm cầu thì ngay ngày đầu năm mới 2024 (1/1/2024), một dự án PPP mới là Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh triển khai theo hình thức PPP sẽ được khởi công, tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia nghĩa-Chơn Thành; Ninh Bình-Thái Bình-Nam Định-Hải Phòng.

“Đây là ba dự án rất quan trọng, ba vùng kinh tế khác nhau trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, hai vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên," người đứng đầu Chính phủ nói.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn giao thông, nhà thầu tôn trọng pháp luật, không lợi dụng trục lợi chính sách, chia nhỏ dự án, đặt lợi ích Nhân dân, dân tộc lên trên hết, đảm bảo minh bạch, công khai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.