Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos của Thụy Sĩ từ ngày 16/1 là dịp để Việt Nam khẳng định đóng góp và vai trò tại các diễn đàn đa phương.
Các chuyên gia Thụy Sĩ đã đưa ra ý kiến trên khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại địa bàn về chuyến công tác của Thủ tướng, cùng hy vọng chuyến công tác sẽ thành công tốt đẹp.
Theo ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sĩ, Việt Nam có những đóng góp rõ rệt tại các diễn đàn đa phương thời gian qua.
Ông nhấn mạnh: “Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp, dự Hội nghị Thường niên của WEF tại Davos sắp tới là một cột mốc quan trọng. Hoạt động của đoàn sẽ là một thành công nữa trong chuỗi những sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Bằng những hoạt động như này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa, trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số."
Tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị, bao gồm phiên Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam;" phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu," và phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN."
Ông Ivo Sieber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết ông rất kỳ vọng vào chuyến công tác sắp tới của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Davos bởi lẽ Thủ tướng không chỉ tham dự hội nghị tại Davos mà còn có những cuộc tiếp xúc bên lề.
Ông đánh giá trải qua hơn 50 năm từ ngày thiết lập quan hệ chính thức, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều dự án hợp tác phát triển chung, cũng như những điểm tương đồng. Ông lấy ví dụ việc Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong khi Thụy Sĩ cũng giữ cương vị Chủ tịch cơ quan này hồi năm ngoái.
Ông chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng chuyến công tác sắp tới của đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế."
Việt Nam nên tận dụng những nền tảng thúc đẩy hợp tác đa phương như hội nghị tại Davos để cho thế giới thấy các thành tựu mà Đảng cùng Chính phủ làm được trong những năm qua. Đây là ý kiến của ông Roger Köppel, người từng là thành viên của đảng Nhân dân Thụy Sĩ và đang giữ chức Tổng Biên tập tờ Die Weltwoche, trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại sự kiện ra mắt Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Thụy Sĩ ở thành phố Zurich.
Ông nhấn mạnh: “Các bạn đã trải qua những đau thương của chiến tranh trong thế kỷ 20 nhưng tôi thấy, Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và nỗ lực gìn giữ hòa bình. Với tôi, Việt Nam là hình mẫu của hợp tác và duy trì cân bằng."
Trong khi đó, ông Ewald Beivi, quan chức phụ trách quan hệ và phát triển kinh doanh tại Đại học Zurich, cho rằng hội nghị tại Davos là cơ hội để lãnh đạo các nước, cùng các tập đoàn và tổ chức gặp nhau, trao đổi quan điểm, xây dựng kế hoạch hành động.
Ông nói: “Hội nghị của WEF tại Davos là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể tìm kiếm những ý tưởng mới và tìm hiểu về những xu hướng mới. Điều quan trọng là cần phải tới đó để lắng nghe và kết nối. Có thể nói nếu không bắt kịp những xu hướng mới của thời đại, bạn sẽ gặp bất lợi trong quá trình cạnh tranh trên toàn cầu hiện nay”.