Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức, với sự tham dự của đại diện đến từ các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học, thành viên Hội đồng tư vấn, thẩm định, các chuyên gia.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã hoàn thiện việc xây dựng 6 tiêu chí đầu của báo cáo tham chiếu; trong đó đã tích hợp cấu phần giáo dục nghề nghiệp.
Báo cáo mô tả hệ thống giáo dục, đào tạo tại Việt Nam, các cơ quan chịu trách nhiệm cho các vai trò và chức năng khác nhau, hệ thống trình độ, các cơ chế đảm bảo chất lượng trình độ.
Báo cáo phân tích các đặc điểm khái niệm và kỹ thuật của Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) và Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) để xác định các khía cạnh quan trọng của sự tương đồng và khác biệt. Thông qua đó xác định tính tương đồng giữa hai khung trình độ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan đã góp ý cho dự thảo Báo cáo tham chiếu VQF và AQRF. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Cơ sở pháp lý của một số thông tin trong báo cáo; thống nhất các đơn vị đo lường trong báo cáo; hệ thống văn bằng chứng chỉ; chuẩn chương trình đào tạo các khối ngành liên hệ với khung trình độ quốc gia Việt Nam.
AQRF được thành lập vào năm 2013 dưới sự bảo trợ của chương trình hợp tác kinh tế (ECWP) trong khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New zealand (AANZFTA) để thực hiện nhiệm vụ phát triển các trình độ của khu vực ASEAN.
AQRF là khung tham chiếu chung, đóng vai trò như một công cụ để so sánh các trình độ giáo dục giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Mục tiêu là: hỗ trợ việc công nhận các trình độ; khuyến khích việc phát triển các khung trình độ phù hợp để có thể hỗ trợ việc học tập suốt đời;
Đồng thời, khuyến khích phát triển các cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia để có thể đánh giá kết quả học tập bên ngoài hệ thống giáo dục chính quy; thúc đẩy và khuyến khích tính di động của giáo dục và của người học; hỗ trợ quá trình chuyển dịch lao động; nâng cao hiểu biết về hệ thống các trình độ; thúc đẩy chất lượng của các hệ thống trình độ đào tạo.
Chuyên gia trao đổi, góp ý tại hội thảo. |
Việt Nam bắt xây dựng Khung trình độ quốc gia từ năm 2016 theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với hai tiểu khung về các trình độ thuộc giáo dục đại học và các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp với 8 bậc trình độ với chuẩn đầu ra theo từng trình độ tương ứng.
Ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020-2025, với mục đích triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học để xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học.
Qua đó, nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Theo đó, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN.
Căn cứ Quyết định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học; trong đó có nhiệm vụ xây dựng báo cáo tham chiếu đối với các trình độ của giáo dục đại học giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Ngày 11/12/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn giao Bộ GD&ĐT làm cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp và đệ trình báo cáo tham chiếu VQF với AQRF tới Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN.
Đến nay, khu vực ASEAN có 4 quốc gia đã được Ủy ban tham chiếu AQRF thông qua Báo cáo tham chiếu, gồm: Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Các nước như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei đang xây dựng báo cáo tham chiếu thành phần.