Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu bảo đảm đủ vắc xin Covid-19 mũi tăng cường

GD&TĐ - Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9509/VPCP-KGVX ngày 27/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về cung cấp vắc xin phòng Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu các đề nghị của doanh nghiệp về việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 để có phương án phù hợp, bảo đảm đủ vắc xin tiêm mũi tăng cường, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và đúng quy định.

Để tăng cường miễn dịch phòng Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. 

Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19. Chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022.

Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ hoàn thành tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung và nhắc lại (mũi 3) cho người dân theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.