Thủ tướng chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng

Thảo luận về dự thảo Đề cương Báo cáo, các thành viên của Tiểu ban có nhiều ý kiến thể hiện cách tiếp cận, xác định tổng thể trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 26/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng (Tiểu ban) chủ trì phiên họp thứ hai của Tiểu ban để thảo luận về Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 (Đề cương Báo cáo).

Cùng tham dự phiên họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thành viên Tiểu ban.

Dự thảo Đề cương Báo cáo gồm 3 phần: Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.

Thảo luận về dự thảo Đề cương Báo cáo, các thành viên của Tiểu ban có nhiều ý kiến thể hiện cách tiếp cận, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Bối cảnh, tình hình, kết quả, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, nhất là phương châm chỉ đạo, các mục tiêu, chiến lược phát triển, phương án tăng trưởng, các ý tưởng mới, đột phá, sáng tạo, phù hợp với tình hình, bối cảnh quốc tế và đất nước thời kỳ mới, nhất là làm mới các động lực cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, ngành mới nổi, các trọng tâm, trọng điểm; hình thức, tên gọi, kết cấu, ngôn ngữ thể hiện Đề cương Báo cáo…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban và các đại biểu dự họp; yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết, trình Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tiểu ban xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tiểu ban là xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng; sản phẩm cuối cùng của Tiểu ban là Báo cáo được Đại hội XIV của Đảng thông qua với yêu cầu “Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao,” tạo được khí thế phấn khởi, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh để đưa đất nước ta tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đánh giá, dự thảo Đề cương Báo cáo có kết cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi; cơ bản nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược; những kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới, vượt dự báo; xác định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; cơ bản dự báo tình hình thời gian tới để trên cơ sở đó đề ra định hướng, quan điểm và nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo với nội dung mang tầm tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo lớn nhưng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; tránh đưa vào những nội dung không cần thiết, sáo rỗng, không nội hàm cụ thể, khó vận dụng.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban yêu cầu việc đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cần bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặc biệt, bám sát các định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Trong đó, rà soát mục tiêu mà Đại hội đã xác định, xây dựng Báo cáo nêu những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm, những vấn đề cần bổ sung và nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các động lực cho sự tăng trưởng mới, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu...

“Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến khó lường trước như dịch bệnh, xung đột..., chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, các giải pháp đột phá, cách làm mới, các chương trình cụ thể để đạt mục tiêu đề ra”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá kết quả phải khách quan, trung thực, sát thực tiễn, “không tô hồng nhưng cũng không bôi đen,” chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi, những việc đã làm được và chưa làm được.

Trong đó, nêu được những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, phản ứng chính sách trong bối cảnh khó khăn, thách thức, phức tạp nhiều hơn thời cơ, thuận lợi để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Đối với dự báo tình hình thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tập trung đánh giá, phân tích tác động của cơ hội, thách thức đối với nước ta từ bối cảnh phát triển mới cả quốc tế và trong nước; thách thức từ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Đặc biệt chú ý những nhân tố mới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong 10 năm tới như hệ quả của dịch bệnh, các cuộc xung đột, cạnh tranh giữa các nước lớn; tác động toàn diện, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; già hóa dân số; biến đổi khí hậu…

Trên cơ sở đó, cùng với chắt lọc từ kinh nghiệm quốc tế để đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2026-2030 với tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị mới có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược.

“Cần phân tích sâu các giải pháp về 3 đột phá chiến lược, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng, về hình thành và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do; bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế-xã hội-môi trường, quốc phòng, an ninh...,” Thủ tướng lưu ý.

Về một số công việc cần tập trung triển khai sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu sâu các nội dung; theo dõi, bám sát các các chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế-xã hội, đồng thời có các phụ lục, các báo cáo chuyên đề như là vấn đề an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, y tế... báo cáo Bộ Chính trị để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 9.

Nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tiểu ban là rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tiểu Ban huy động trí tuệ, sức lực của các thành viên cho việc xây dựng Đề cương Báo cáo; tin tưởng, với nỗ lực cao nhất, với trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần cầu thị, Tiểu Ban sẽ xây dựng Báo cáo với chất lượng cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương giao phó, góp phần vào tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...