Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về cải cách hành chính

GD&TĐ - Sáng nay (26/3), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức. 

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo kết quả cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Nội vụ cho thấy trong năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trên nhiều nội dung như kiểm tra cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. 

Đánh giá cho thấy CCHC đã được triển khai đồng bộ hơn, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành; việc triển khai các nội dung hoạt động đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đã và đang được tiến hành ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước. 

Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm mục tiêu xây dụng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; đã xây dựng được hệ thống thể chế quản lý công chức và viên chức theo đúng tinh thần và các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 

Ngoài ra, một số Bộ, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai thực hiện một số cơ chế mới (kể cả làm thí điểm) trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, như việc áp dụng hình thức thi tuyển bằng phần mềm trên máy tính; triển khai xác định vị trí việc làm; thí điểm tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý.

Hội nghị đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2015 là triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên phạm vi toàn quốc. 

Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Sớm xác định và công bố Chỉ số CCHC năm 2014 của các Bộ, ngành, địa phương; xác định và công bố Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính năm 2015. 

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2014 và đầu năm 2015, công tác CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, có bước tiến và kết quả thiết thực, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa. 

Thủ tướng cho biết trên thực tế vẫn còn rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém chưa được rà soát để sửa đổi, bãi bỏ hoặc sửa nhưng còn rất chậm. 

Bên cạnh đó, một số cấp, ngành nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc; nhiều cơ quan, tổ chức trùng dẫm, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp. Tất cả những hạn chế này đang làm cản trở nỗ lực cải cách, đang làm chậm đi sự phát triển của đất nước. 

“Tôi, người đứng đầu Chính phủ hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. 

Với mục tiêu CCHC là để phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2015 các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai công tác CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời phải tạo được chuyển biến rõ rệt, cụ thể, đo đếm được và được xã hội công nhận. 

“Chúng ta không được phép thỏa mãn hay dừng lại vì so với yêu cầu thì còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tôi tin là chúng ta hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nữa, cải thiện tốt hơn nữa nếu thực sự trách nhiệm, ý chí, quyết tâm, nhất là người đứng đầu.” - Thủ tướng yêu cầu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước coi CCHC, cải cách thể chế là khâu đột phá thì cần phải xây dựng các chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể và nghiêm túc triển khai; thực hiện có kết quả trên thực tế. 

Bên cạnh đó, phải thực hiện kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn và bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. 

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, luật pháp, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường để tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng cho nền kinh tế vận hành hiệu quả, theo đúng quy luật, nguyên tắc thị trường, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. 

Thủ tướng lưu ý việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, luật pháp trước hết phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp 2013 trong bảo đảm quyền tự do, kinh doanh của người dân, quyền dân chủ về kinh tế; mặt khác, thể chế được ban hành phải bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính khả thi, khắc phục tình trạng ban hành chậm và không ngừng cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn luôn phát triển, luôn thay đổi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong CCHC, các cấp, các ngành cần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp,… 

“Phải rà soát để sửa đổi, bãi bỏ theo tinh thần tạo thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, dễ dàng nhất cho người dân và doanh nghiệp, không nói chung chung nữa” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đồng thời cho rằng với tinh thần nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ, các cơ quan hành chính phải tạo thuận lợi cho dân và nhận phần khó về mình, đồng thời thông thoáng nhưng vẫn phải quản lý tốt, không buông lỏng quản lý nhà nước. 

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để trên cơ sở đó xây dựng vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn cũng như tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. 

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh và không chậm chễ việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại hóa nền hành chính.

“Phải phấn đấu việc giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính cũng như cung cấp các dịch vụ công được thực hiện qua mạng, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc tiếp xúc trực tiếp giữa các bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...