Thủ tướng chủ trì cuộc họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương

GD&TĐ - Sáng 23/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương

Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2016, xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2017; thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 cũng như kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình, mô hình, nhân tố mới năm 2017.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) không chỉ tôn vinh những cá nhân tốt, cách làm hay mà còn là một thiết chế tinh thần quan trọng, góp phần cùng thiết chế pháp luật để quản lý xã hội. Xây dựng xã hội văn minh tiến bộ thì phải có pháp luật tốt, thể chế tốt, đồng thời cũng cần có các cuộc vận động đề cao giá trị đạo đức, chuẩn mực văn minh tiến bộ, trong đó công tác TĐKT có vai trò rất lớn.

Nhìn lại kết quả công tác TĐKT năm 2016, Thủ tướng nêu ra 6 thành công. Trước hết, đã phát động nhiều phong trào thi đua thực chất, hiệu quả hơn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như các phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Thứ hai, Hội đồng, Ban TĐKT đã góp ý, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về TĐKT hết sức nghiêm túc, trong đó tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Thứ ba, Hội đồng TĐKT Trung ương hoạt động nghiêm túc, hiệu quả; đã củng cố, kiện toàn Hội đồng và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.

Thứ tư, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tích cực triển khai các phong trào chung và phát động phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương và cơ quan mình.

Thứ năm, Thủ tướng đánh giá cao công tác tuyên truyền với nhiều chuyển biến, đặc biệt là đã nhân rộng một số điển hình tiên tiến.

Thứ sáu, công tác khen thưởng tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Cơ cấu khen hợp lý hơn theo hướng tăng khen thưởng đột xuất, tăng cường phát hiện, khen thưởng người lao động trực tiếp, chủ động, kịp thời phát hiện khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu, có thành tích đóng góp cho xã hội.

“Ví dụ như các đồng chí đã đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với nữ tình nguyện viên Đặng Thị Thu Hương, 22 tuổi, bị tai nạn chết khi đi làm từ thiện, cứu giúp đồng bào ở tỉnh Quảng Bình”, Thủ tướng nói và cũng biểu dương ngay một số hành động đẹp vừa diễn ra mấy ngày qua như tập thể giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản, TP. Hạ Long chờ hiến máu cứu học sinh bị tai nạn. Thủ tướng cũng vừa có thư khen tập thể giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của công tác TĐKT như nhiều nơi “đã phát nhưng chưa động”, hoặc chưa động nhiều; một số nơihình thức còn nặng hơn nội dung; có trường hợp khen chưa sát, chưa đúng.

“Tôi lấy ví dụ về vấn đề mà dư luận đang xôn xao, là giải thưởng nhà nước trong lĩnh vực văn học, cho giới văn nghệ sĩ. Có câu hỏi rất lớn là tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được khen? Do thủ tục, cách làm hay do chủ quan của bộ phận làm TĐKT?”, Thủ tướng nói và cho biết đã yêu cầu Bộ VHTT&DL báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Công tác tuyên truyền về người tốt, việc tốt, tấm gương tốt, cách làm tốt, sáng tạo mới chưa đúng mức, giới thiệu cho công chúng còn ít.

Thủ tướng cho rằng, để phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng thì cần phải đa dạng hình thức, có nhiều đổi mới, sáng tạo; tiêu chí và nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể, thiết thực. “Điều đặc biệt, muốn thành công, một kinh nghiệm lớn là phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể”, Thủ tướng nói.

Định hướng nhiệm vụ năm 2017 trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nêu rõ tinh thần “càng khó khăn thì càng phải thi đua” với mục tiêu là hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước năm 2017. Các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, “đừng có hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống”. “Làm sao chấm dứt hình thức, đi vào thực chất là vấn đề đặt ra rất lớn”, Thủ tướng nói.

Cùng với các đợt phát động thi đua chung, cần phát động phong trào thi đua theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng. Phải hướng vào công nhân, người sản xuất, lao động trực tiếp.

Nhấn mạnh việc chủ động tìm kiếm, phát hiện người tốt, việc tốt, Thủ tướng nói: “Người tốt thì họ có lòng tự trọng, không đi xin được khen mà chính chúng ta phải đến tìm họ để khen, biểu dương kịp thời với hình thức thích hợp”.

Có hình khen thưởng vinh danh nhà khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ; lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, theo Thủ tướng, phải chú trọng khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, cho cộng đồng, giải quyết việc làm, đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp, nhất là trong lớp trẻ, thanh niên nông thôn.

TĐKT cũng phải chú trọng hơn nữa vào tôn vinh giá trị nhân văn, văn minh tiến bộ, kể cả việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người khuyết tật, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. “Kinh tế thị trường chứ không phải xã hội thị trường, không phải chạy theo đồng tiền mà cái chính là bảo đảm giá trị nhân văn của con người, kính già yêu trẻ, quan tâm người nghèo, vùng khó khăn… Chúng ta nói đến tăng trưởng bao trùm trong phát triển chứ không phải tăng trưởng dành cho một bộ phận. Người dân được gì mới là quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu TĐKT gắn với nâng cao đạo đức, thái độ trách nhiệm thực thi công vụ bởi “nhân dân đang mong chờ việc này rất lớn”.

Thủ tướng yêu cầu tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về TĐKT chú trọng chất lượng, thực chất, chống tình trạng lan tràn, hình thức. Khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp là không thể chấp nhận được.

Nội dung TĐKT bám sát, gắn chặt hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã và xây dựng văn hóa. Gắn với thành tích giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc, cấp thiết của xã hội, cộng đồng, lĩnh vực, ngành; với những sáng kiến tốt, phục vụ tận tâm người dân, doanh nghiệp. TĐKT gắn với kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ được giao. TĐKT phải công khai minh bạch, không làm tốt sẽ phát sinh mâu thuẫn nội bộ.

Nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền, Thủ tướng nêu rõ, phải có chương trình đồng bộ trong tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa toàn xã hội về gương người tốt, việc tốt, phong trào tốt. Báo chí từ Trung ương đến địa phương phải dành một thời lượng cần thiết cho vấn đề này. Ban TĐKT các cấp chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.

Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Thủ tướng yêu cầu, phải giải quyết dứt điểm việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khen thưởng thành tích kháng chiến. Tổ chức tốt Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ