Thủ tướng: Bình Dương cần vừa cách ly xã hội, vừa sản xuất tại chỗ

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch phù hợp, vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất-kinh doanh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát).
Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát).

Sáng 27/6, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã về kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bình Dương. Cùng đi có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ có ông Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất-kinh doanh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương áp dụng mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ, nhất là tại các khu công nghiệp. Ăn ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ, bàn thêm phương án tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để thực hiện mô hình này mà tỉnh Bắc Giang đã thực hiện có hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chỉnh phủ đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đề nghị tỉnh chủ động điều chỉnh các dự án đầu tư công cho phù hợp, nhất là các dự án trọng điểm cần triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thủ tướng đánh giá cao định hướng tăng trưởng kinh tế xanh của Bình Dương bằng áp dụng khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số của nền kinh tế.

Thủ tướng cho rằng nhân cơ hội thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh này, tỉnh Bình Dương mạnh dạn tái cơ cấu nền kinh tế theo đổi mới công nghệ số; tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp TP Hồ Chí Minh kết nối giao thông, đẩy mạnh phát triển hơn nữa tính liên kết vùng.

Thủ tướng đề nghị Bình Dương tập trung đầu tư hoàn thiện giao thông; biểu dương Bình Dương mở đường xá khá tốt đã tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội rõ rệt, nhất là sau khi mở đường thì đô thị, dịch vụ, công nghiệp phát triển mạnh.

Thời gian tới, Thủ tướng lưu lý tỉnh Bình Dương ổn định chính trị, an toàn, an ninh và an dân; tổ chức hoàn thành tốt kỳ thi Trung học phổ thông, kết thúc tốt năm học 2021. Đặc biệt, về nhiệm vụ, giải pháp là ưu tiên thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Thu tuong: Binh Duong can vua cach ly xa hoi, vua san xuat tai cho hinh anh 1
Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát).

Để đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát tình hình, không được lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh phải có kịch bản ứng phó tình huống xấu khi dịch diễn biến phức tạp, nhưng không vội vàng, hốt hoảng, nhanh chóng phong tỏa, khép kín “dễ cho người làm, nhưng khó cho dân".

Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương khi có dịch xảy ra cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời thay đổi cách ly cho phù hợp, nên nghiên cứu thí điểm cách ly diện F1 tại nhà.

Thay đổi này quan trọng, nhưng chắc chắn phải triển khai làm đúng quy trình, đúng quy định, nhưng đối với những nhà đủ điều kiện mà họ có nhu cầu. Việc này đã ban hành quy chế, quy định, tiêu chuẩn, nên Bình Dương nghiên cứu áp dụng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần áp dụng qua điện thoại, qua phương tiện internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; diễn tập cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát...

Trước đó, vào buổi sáng, Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Hiện tại, Bình Dương đang điều trị 228 bệnh nhân (226 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, 1 ca tái dương tính từ Khánh Hòa, 1 ca là chuyên gia nhập cảnh). Trong đó, số ca điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là 155 ca, Trung tâm Y tế Tân Uyên  là 5 ca và Trung tâm Y tế Thuận An là 68 ca.

Trong số các bệnh nhân này có 1 bệnh nhân nặng thở máy và 3 bệnh nhân thở oxy. Bệnh viện đã triển khai phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình điều trị các ca mắc Covid-19.

Báo cáo với Thủ tướng, Tiến sỹ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là bệnh viện hạng I. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 1.500 lượt người đến khám bệnh ngoại trú, chăm sóc và điều trị từ 1.400-1.600 người bệnh điều trị nội trú.

Bệnh viện đã xây dựng 14.610 danh mục kỹ thuật, gồm 13.579 kỹ thuật thuộc tuyến chuyên môn và 1.031 kỹ thuật vượt tuyến. Hiện Bệnh viện có 1.280 nhân viên, trong đó có 250 bác sỹ; có 43 khoa, phòng và bộ phận.

Đến nay, Bệnh viện đã có 547 nhân viên y tế tiêm đủ 2 mũi và 672 nhân viên y tế đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19. Về năng lực xét nghiệm, Bệnh viện đã triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 từ ngày 12/1. Ngày 21/5, Bệnh viện trang bị thêm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 để phục vụ công tác sàng lọc người bệnh.

Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường. Vừa qua, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã đến thẩm định và công nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý bên cạnh các điều kiện, trang bị, vật tư phục vụ cho công tác điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần rút kinh nghiệm từ các trường hợp lây nhiễm chéo trong khu điều trị tại các bệnh viện trong thời gian qua, nhất là phải bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ quy trình điều trị cách ly, phòng, chống lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế.

Thủ tướng biểu dương công tác phòng, chống dịch, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện; động viên đội ngũ cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện nói riêng và đội ngũ y, bác sĩ cả nước nói chung đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ sức khỏe người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao tinh thần phục vụ, chăm sóc bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thủ tướng cũng lưu ý, rút kinh nghiệm vừa qua một số bệnh viện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác tại các cơ sở y tế để xảy ra dịch ở nơi chống dịch. Do vậy, Bệnh viện phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn đối với đối tượng điều trị trực tiếp để không xảy ra dịch từ trong bệnh viện.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc tại Nhà máy sữa Vinamilk đóng tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của Vinamilk về phòng, chống dịch và giữ vững ổn định sản xuất của đơn vị, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển chung của nhà nước.

Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương có hướng tư duy mới trong công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, góp phần sớm dập dịch đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.