Ngày 6/7 thực sự đã xảy ra một cú sốc: 5 bộ trưởng từ chức cùng một lúc, cùng ký một lá thư nói rằng “ngày càng thấy rõ là chính phủ không thể hoạt động khi các vấn đề đã được đưa ra ánh sáng”.
5 bộ trưởng nội các gồm: Kemi Badenoch, Bộ trưởng về bình đẳng, người mà theo trang web của đảng Bảo thủ, có thể là ứng cử viên chức vụ lãnh đạo đảng này; Michael Gove - Bộ trưởng về cải thiện các vấn đề xã hội; Alex Burghart - Bộ trưởng kỹ năng; Lee Rowley - Bộ trưởng kinh doanh; và Julia Lopez - Bộ trưởng truyền thông, dữ liệu và cơ sở hạ tầng số. Cả 5 người được coi là những ngôi sao đang lên trên chính trường Anh.
Chưa hết, đến chiều cùng ngày, Mims Davies lại từ chức Bộ trưởng việc làm và phát biểu rằng, Thủ tướng Boris Johnson đã không duy trì được “tiêu chuẩn cao nhất trên chính trường”.
Mở đầu cho làn sóng này, một ngày trước đó, hôm 5/7, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã nộp đơn xin từ chức với lý do không hài lòng với cách điều hành chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson.
Một số bộ trưởng đang vận động để bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Boris Johnson. Bộ trưởng về cải thiện các vấn đề xã hội Michael Gove thậm chí cho rằng ông nên từ chức.
Thủ tướng Anh đã bác bỏ việc ông sẽ ra đi lúc này. Thư ký báo chí của ông nói rằng, ông vẫn có sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ. Bà cũng cho rằng, ông sẽ đấu tranh nếu Quốc hội kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm và vẫn tin rằng mình sẽ thắng cuộc bỏ phiếu đó. Trong vài ngày tới, Thủ tướng sẽ chọn những người thay thế các bộ trưởng đã từ chức.
Nhưng đây thực sự là một cuộc khủng hoảng với Boris Johnson. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông từ chức. Cựu Bộ trưởng Cộng đồng Robert Jenrick nói Johnson nên ra đi vì ông không đem lại được “sự gắn kết, sự chặt chẽ và định hướng mà đất nước cần”.
Trên Facebook, vị cựu bộ trưởng này viết khá nặng nề: “Về cơ bản, đã có một sự mất mát đáng kể và tôi sợ rằng không thể phục hồi được niềm tin với công chúng...
Nếu chúng ta tiếp tục theo con đường hiện tại, chúng ta có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho danh tiếng của đảng Bảo thủ về năng lực và chính phủ tốt, và quan trọng hơn, đối với vị thế chính trị nói chung”.
Liên tiếp năm qua, Thủ tướng Boris Johnson gặp nhiều cuộc khủng hoảng nhưng lần này là tồi tệ nhất. Nguyên nhân trực tiếp của “cơn địa chấn chính trị” này với ông là cách chính phủ xử lý việc từ chức của Phó Cảnh sát trưởng Chris Pincher.
Tuần trước, ông Pincher từ chức sau khi bị cáo buộc đã quấy rối 2 vị khách trong một bữa tiệc riêng vào đêm 29/6.
Đã có nhiều mâu thuẫn trong những lý giải về việc ông Pincher được bổ nhiệm vào chính phủ, khi mà từ trước đó đã có những cáo buộc về các hành vi không thích hợp.
Tiết lộ của một nhân viên chính phủ nói rằng, ông Johnson biết những cáo buộc và mức độ nghiêm trọng của chúng, tuy nhiên vẫn bổ nhiệm Pincher.
Thủ tướng Johnson đã phải lên tiếng xin lỗi vì việc bổ nhiệm này, tuy nhiên vẫn không khôi phục được lòng tin của các bộ trưởng. “Công chúng thực sự mong đợi chính phủ hoạt động đúng đắn, năng lực và nghiêm túc” - Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói. Còn Bộ trưởng Y tế Javid cho biết, công chúng và nhiều nghị sĩ mất niềm tin vào khả năng điều hành của Thủ tướng.
Theo giới quan sát, ông Johnson được bầu vì được đánh giá cao về khả năng kết nối với cử tri. Đường lối dân túy lạc quan của ông - điều khiến ông vận động được đa số dân chúng Anh bỏ phiếu cho Brexit năm 2016, sau đó đã giúp đảng Bảo thủ chiếm đa số trong Quốc hội vào năm 2019.
Nhưng những năm qua, chính phủ của Thủ tướng Johnson liên tiếp gặp khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, nhất là trong đại dịch Covid-19, khiến phe Bảo thủ cho rằng, ông đang mất đi sự hấp dẫn của một người theo chủ nghĩa dân túy và vì thế đe dọa đến vị thế của đảng Bảo thủ.
Cuối cùng, điều cốt lõi nhất vẫn là những chính sách điều hành đúng đắn trong một thế giới đầy biến động, khi chiến sự Ukraine đang ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu, chứ không phải những phát biểu và chính sách dân túy.