Tham dự cùng với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc có ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT.
Tận dụng tối đa thời gian của học kỳ II
Đoàn công tác đã có buổi kiểm tra việc chuẩn bị các điều kiện dạy học tại các trường: Trường Mầm non Á Châu, trường Tiểu học Tân Tiến và Trường THCS Ngô Quyền (TP Biên Hòa).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ học tập của học sinh khi các em buộc phải học trực tuyến. Rất may là chúng ta đã vượt qua thời điểm căng thẳng vì dịch để mở cửa lại trường học. Vì vậy, chúng ta cần phải tận dụng tối đa thời gian của học kỳ II để có thể bổ sung kiến thức cho học sinh.
“Khi chúng ta mở cửa trường học có rất nhiều việc để làm, trong đó cần phải có sự phối hợp đồng bộ, sự hỗ trợ tối đa của ngành y tế trong việc hướng dẫn nhà trường tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh, phòng chống dịch trong nhà trường. Mỗi trường học cũng cần có một kế hoạch cụ thể trong việc mở cửa nhà trường, các phương án chuẩn bị, các điều kiện cần và đủ trong công tác phòng chống dịch”, Thứ trưởng Phúc lưu ý.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Ngọc Thạch - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, để chuẩn bị cho việc trở lại học trực tiếp, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tiêm vắc xin cho giáo viên, học sinh song song với việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch trong nhà trường.
Tới thời điểm này tổng số học sinh trong độ tuổi 6-12 đã tiêm vắc xin là 230.305, số học sinh đã tiêm 2 mũi là 211.602 em (tỉ lệ 91,88%). Số giáo viên, cán bộ quản lý đã tiêm 3 mũi là 33.630/46.218 người.
“Đồng Nai tuy đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhờ quyết tâm và chủ động triển khai việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sớm đã mang lại cho ngành nhiều kinh nghiệm quý báu.
Trong thời gian trước Tết, ngành giáo dục đã cho thí điểm dạy học trực tiếp ở các thị trấn, xã có dịch ở cấp độ 1 từ ngày 15/11/2021 đến 28//2022. Qua đó, đã có 11/11 huyện, thành phố tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp.
Tính đến ngày 24/1/2022 đã có 325 trường học tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh và học viên một số khối lớp Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT”, ông Thạch thông tin.
Ông Nguyễn Duy Tân- Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết TP Biên Hòa có 227 trường học, gồm 122 trường công lập, 105 tư thục, khoảng 222.000 học sinh.
Để chuẩn bị cho công tác trở lại học sau Tết, TP Biên Hòa đã khẩn trương thực hiện công tác tu sửa trường lớp sau khi nhận lại cơ sở được trưng dụng, cũng như tiến hành khử khuẩn, tiệt trùng 3 lần phòng ốc học tập.
Riêng về vắc xin đến thời điểm này TP Biên Hòa đã phủ xong 2 mũi vắc xin cho học sinh trong độ tuổi. Học sinh Tiểu học và Mầm non do chưa được tiêm vắc xin nên công tác tuyên truyền đang được triển khai rất mạnh mẽ.
Chuẩn bị kỹ càng đón học sinh
Trao đổi về tình hình và điều kiện để mở cửa trường học, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Y tế thông tin số ca mắc trước Tết của tỉnh Đồng Nai là dưới 100, sau Tết có tăng khi lên 3 con số (dưới 200).
"Về yếu tố dịch tễ chúng ta đủ điều kiện để mở cửa trường học. Khó khăn của tỉnh chủ yếu tập trung ở các TP, quận trung tâm trong việc tổ chức xét nghiệm do tập trung dân đông. Cấp Tiểu học trước khi đi học đã xét nghiệm nhanh theo mẫu gộp 3, bậc Mầm non không lấy mẫu", ông Tân nói.
Ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ GD&ĐT cho biết, thông qua báo cáo của Sở GD&ĐT, ngành giáo dục cần làm rõ thêm việc thiếu giáo viên ở bậc Tiểu học ra sao để có kế hoạch, lộ trình bổ sung giáo viên đáp ứng tốt các điều kiện dạy học. Đặc biệt, với tâm lý phụ huynh còn e dè trong việc tiêm vắc xin thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Nhìn nhận các việc trên là rất quan trọng, bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng cần quán triệt thật tốt 7 nhiệm vụ theo Công điện 136 của Bộ GD&ĐT để hoàn thiện thật tốt mọi khâu, mọi kế hoạch chuẩn bị trong việc mở cửa trường học... Nhất là làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa để tạo sự yên tâm, tin tưởng nơi phụ huynh khi cho con đi học trở lại, đặc biệt là trong công tác tiêm vắc xin…
Theo kế hoạch của Sở GD, việc triển khai môn Tin học và tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 còn nhiều khó khăn về nhân sự. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm và tăng cường thêm giáo viên còn thiếu hụt để có thể thực hiện tốt chương trình GDPT mới, cũng như triển khai tốt công tác mở của trường học trong bối cảnh dịch bệnh nếu buộc phải chia ca, chia lớp.
Bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non đánh giá, với 45.689 video hướng dẫn cho mẹ chăm sóc, hướng dẫn trẻ tại nhà trong suốt thời gian trẻ ở nhà là một sự cố gắng rất lớn về mặt chuyên môn của ngành giáo dục.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết hiện toàn tỉnh chỉ còn 2 xã vùng cam, 8 xã ở cấp độ 2 của dịch nên công tác mở cửa trường học tại tỉnh Đồng Nai về cơ bản là an toàn.
Ông Sơn chia sẻ: Tỉnh Đồng Nai thực hiện thí điểm cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp từ ngày 15/11/2021 đến ngày 28/1/2022. Do đó, với việc phủ kín vắc xin cùng công tác chuẩn bị kỹ càng trong việc phân vùng cấp độ dịch, phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục chúng tôi tin tưởng việc mở cửa trường học toàn tỉnh vào ngày 14/2 sẽ thuận lợi và an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng việc mở cửa trường học cho học sinh các cấp có ý nghĩa rất lớn sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh. Vì vậy, việc lãnh đạo chỉ đạo, công tác chuẩn bị kỹ càng, an toàn cho học sinh là rất quan trọng.
“Đồng Nai là địa phương chịu ảnh hưởng vì dịch cũng khá nặng nề cùng như có số lượng học sinh khá đông. Việc Đồng Nai sớm cho thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp cho thấy sự quyết tâm và cố gắng rất lớn của ngành giáo dục, UBND tỉnh.
Việc thí điểm từ sớm có cái hay là đã mang lại cho Đồng Nai những kinh nghiệm lớn trong công tác chuẩn bị các điều kiện để cho học sinh trở lại nhà trường. Tôi tin ngành giáo dục tỉnh sẽ thành công như chính quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh”, Thứ trưởng Phúc nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý các cơ sở giáo dục, khi học sinh đi học trở lại, việc củng cố kiến thức và thực hiện tốt chuyên môn giảng dạy, bù kiến thức cho học sinh là rất quan trọng, ngành giáo dục cần có kế hoạch, quan tâm sâu đậm về vấn đề này. Bên cạnh đó còn có các giải pháp hỗ trợ về tâm lý, giáo dục thể chất cho học sinh sau thời gian dài phải học trực tuyến vì dịch.
Các nhà trường cũng không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, cần có kế hoạch cụ thể, công tác tập huấn thường xuyên cho cán bộ giáo viên nhà trường trong việc xử lý các tình huống dịch tễ nảy sinh trong lớp học, để hạn chế tối đa những nguy cơ bùng phát dịch bệnh.