Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Tinh thần đổi mới GD đã đến với giáo viên, học sinh

GD&TĐ - Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác dạy học lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị triển khai Chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và giáo viên

Đoàn đã dự giờ, kiểm tra thực tế hoạt động dạy học tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu và THCS Thăng Long, thuộc quận Ba Đình.

Báo cáo đoàn công tác, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu Nguyễn Điệp Anh cho biết: Giáo viên được lựa chọn đứng lớp học đầu tiên thực hiện chương trình mới là người có năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tích cực đổi mới sáng tạo. Nhà trường đã kịp thời bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bố trí phòng học đảm bảo tiêu chuẩn, thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày…

Sau hơn 1 học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chất lượng dạy học lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh cơ bản đã đọc, viết, tính toán tốt; tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự giờ tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự giờ tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu.

Chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã xây dựng kế hoạch cụ thể; tiếp tục rà soát và gửi danh sách giáo viên (ưu tiên giáo viên dự kiến dạy khối lớp 2) tham gia các mô đun bồi dưỡng và dự các lớp tập huấn, chuyên đề của các cấp. Trường tổ chức cho các tổ chuyên môn đọc và nghiên cứu 3 bộ SGK thuộc các danh mục được phê duyệt để tổng hợp đề xuất lên phòng GD&ĐT…

Còn hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long Nguyễn Thanh Hà cho biết: Chuẩn bị triển khai chương trình, SGK lớp 6, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, dự báo những thuận lợi, khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện chương trình. Trong năm 2020, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán đã hoàn thành chương trình tập huấn mô đun 1,2,3. Trường chủ động thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Bà Nguyễn Thanh Hà đề nghị thành phố sớm công bố kết quả chọn SGK để các nhà trường chủ động tập huấn giáo viên, tiếp tục bồi dưỡng giáo viên ở các mô đun tiếp theo; tổ chức tập huấn SGK mới trong thời gian sớm nhất để nhà trường tổ chức dạy thử nghiệm trước khi bước vào năm học mới. UBND quận sớm phê duyệt kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy học bổ sung cho chương trình lớp 6 mới…

Thông tin tới đoàn công tác, ông Lê Đức Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Triển khai chương trình mới với lớp 1, quận đã rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, tổ chức tập huấn đầy đủ cho giáo viên; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tổ chức thực hiện nghiêm túc các qui định đánh giá học sinh tiểu học…

Ngành GD Ba Đình đề nghị Bộ, Sở GD&ĐT sớm có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán để phòng GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng đại trà; quan tâm tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học, kế toán trường học, nhân viên y tế trường học…

Bà Hoàng Thị Minh Hương- Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Mặc dù lúc đầu mới triển khai có khó khăn, song các nhà trường đã nhanh chóng khắc phục, triển khai dạy và học đạt kết quả nhất định, tạo sự tin tưởng trong cha mẹ học sinh…

Về tài liệu giáo dục địa phương, ngành GD tham mưu thành phố ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn, thành lập hội đồng biên soạn. Tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học hiện đã tổ chức dạy thử 2 bài ở 5 đơn vị thuộc các quận, huyện khác nhau...

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết: Những kết quả bước đầu có được từ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 là bởi sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị quận. Xác định nâng tầm giáo dục trong sự phát triển chung của quận, Ba Đình đã dành 40% ngân sách đầu tư cho giáo dục, tập trung cho việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo trường, lớp học và các nội dung liên quan đến GD-ĐT…

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm phát biểu tại cuộc làm việc.

Bên cạnh quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, tập trung bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Ba Đình còn yêu cầu các nhà trường chú trọng hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh, tạo cho các em tâm thế thích nghi tích cực với chương trình mới và xu thế hiện nay…

Đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu ngành Giáo dục Hà Nội, trong đó có giáo dục Ba Đình đã đạt được trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội với việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Theo tinh thần của Nghị quyết 88, người hưởng lợi là học sinh. Việc dạy học không phải truyền thụ kiến thức mà hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh. Qua dự giờ các lớp học, Bộ thấy được tinh thần đổi mới này đã đến với mỗi giáo viên, hướng đến học sinh nên việc triển khai đã đem lại những hiệu quả rõ rệt…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, vấn đề cần chú trọng là thống nhất đổi mới từ nhận thức đến hành động về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng phải nắm chắc chương trình tổng thể về: quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện triển khai chương trình… để triển khai đúng định hướng tại đơn vị. Vì vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL, GV cần được quan tâm đẩy đủ để tất cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý cùng vào cuộc một cách đồng bộ chứ không phải chỉ có giáo viên tiếp cận với đổi mới.

Ngành GD Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình lớp 1, vừa làm vừa đánh giá, tổng kết, rút ra được những kinh nghiệm để chủ động khi đón nhận chương trình, SGK lớp 2, lớp 6.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: Việc xây dựng đội ngũ giáo viên rất quan trọng khi triển khai các chương trình giáo dục nhà trường, chương trình-SGK mới. Đội ngũ giáo viên cần đảm bảo được 3 yêu cầu về: số lượng, cơ cấu, chất lượng - trong đó quan trọng nhất là chất lượng. Thành phố cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để có được đội ngũ GV, nhất là GV đảm nhận dạy theo chương trình mới vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Đồng thời, các đơn vị, nhà trường cần chuẩn bị cho giáo viên tâm thể sẵn sàng đổi mới, tạo động lực cho giáo viên phát huy năng lực sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ