Địa phương đã sẵn sàng
Tại buổi làm việc, 5 tỉnh đã báo cáo công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại địa phương. Với cách triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, bài bản, có chất lượng, đến thời điểm này, cả 5 tỉnh đều đã sẵn sàng mọi điều kiện để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, công bằng, khách quan, bảo đảm chất lượng.
Tại Ninh Bình, chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thành Công, kết quả thanh tra công tác chuẩn bị thi cho thấy: Công tác tham mưu, phối hợp của Sở GD&ĐT với các ban ngành của tỉnh và UBND huyện/thành phố trong chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện, triển khai tuyên truyền tổ chức kỳ thi rất kịp thời, cụ thể và hiệu quả.
Các đơn vị tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi. Tại các điểm thi đã chuẩn bị khá đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn cho việc tổ chức thi. Có các phương án dự phòng để xử lý những tình huống bất thường, đảm bảo an toàn tại các điểm thi. Bảo đảm điều kiện y tế, chăm sóc sức khoẻ cho thí sinh và cán bộ, nhân viên tham gia công tác thi, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, điện nước,…
Các điểm thi cũng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó phòng chống dịch tại đơn vị.
Ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh khẳng định tinh thần chuẩn bị của địa phương cho kỳ thi là hết sức cẩn trọng, chu đáo; đến thời điểm này chưa nhận được ý kiến báo cáo về việc có khó khăn.
“Hôm qua, đoàn kiểm tra cuối cùng của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh kiểm tra 27 điểm thi đã tập hợp báo cáo với Ban chỉ đạo. Kết quả cho thấy, mọi điểm thi đã chuẩn bị hết sức chu đáo, tương đối đầy đủ các điều kiện”. Ông Trịnh Khôi cho biết và thông tin thêm, đến thời điểm này, địa phương không có thí sinh nào bị F0, cũng không có thí sinh nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với một số thí sinh khó khăn về phương tiện, các nhà trường, đội ngũ thanh niên tình nguyện sẵn sàng phương án hỗ trợ các em trong quá trình đến trường thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại Thái Bình, chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Viết Hiển, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo kỳ thi, sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các sở, ngành có liên quan.
Địa phương đã xây dựng các phương án bố trí các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh và người tham gia. Xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức thi cho thí sinh diện F0 và ca bệnh nghi ngờ. Quán triệt các văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi đến tất cả những người tham gia và tất cả thí sinh. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời, nghiêm túc.
Tương tự, tại Hưng Yên, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phê, Sở đã làm tốt công tác tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Kỳ thi ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, tổ chức kỳ thi; tham mưu Ban chỉ đạo thi tổ chức họp phổ biến, tuyên truyền về kỳ thi; phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo thi và thành viên Tổ giúp việc.
Sở GD&ĐT luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Ban chỉ đạo, của các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của kỳ thi. Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện và trực tiếp tổ chức thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ theo đúng Quy chế thi và các văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về tổ chức kỳ thi và thanh tra, kiểm tra Kỳ thi...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hải Dương cũng đã sẵn sàng công tác chuẩn bị. Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022- 2023. Các văn bản chỉ đạo liên quan quan đến kỳ thi và công tác phối hợp với các sở ngành liên quan đều được Sở ban hành đầy đủ.
Các phòng thi được bố trí đúng tiêu chuẩn, khoảng cách theo quy định. Mỗi điểm thi đều được bố trí các phòng thi dự phòng (bằng 10% so với tổng số phòng thi tại điểm thi). Mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố đều bố trí 1 điểm thi dự phòng là các trung tâm GDNN-GDTX. Các phòng thi dự phòng, điểm thi dự phòng đều được bố trí nhân lực, vật lực bảo đảm an toàn, đúng quy định. Công tác an ninh, an toàn tại khu vực thi được bảo đảm.
Đánh giá chung, kỳ thi được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao; các Sở ngành có liên quan phối hợp có trách nhiệm, đúng chức năng nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị của Sở cũng như của đơn vị trực thuộc chủ động, kịp thời.
Đoàn kiểm tra làm việc theo phương thức trực tuyến. |
Chuẩn bị càng kỹ, càng đầy đủ
Nhấn mạnh về công tác thanh tra, kiểm tra trong kỳ thi, ông Ngô Minh Hưng, Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, Phó trưởng đoàn kiểm tra số 1, lưu ý các đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc theo cơ chế phối hợp, tránh chồng chéo. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là giúp đỡ điểm thi, hội đồng thi thực hiện nhiệm vụ theo đúng Quy chế; phát hiện những bạn chế, bất cập để kịp thời chấn chỉnh; cố gắng ngăn chặn tiêu cực xảy ra; nếu có tiêu cực thì phải xử lý nghiêm túc.
Ông Ngô Minh Hưng cũng nhấn mạnh, sự phối hợp của thanh tra tỉnh trong tổ chức giám sát đoàn thanh tra năm nay là bắt buộc; lãnh đạo Sở GD&ĐT cần lưu ý công tác này. Cùng với đó, tại các Sở GD&ĐT thành lập tổ trực ít nhất 3 người để tiếp nhận thông tin từ điểm thi và xử lý, báo cáo tình huống bất thường về Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT và Thanh tra Bộ GD&ĐT. Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng thành lập tổ để tiếp nhận thông tin của các địa phương, các đoàn thanh tra, kiểm tra báo về.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh những công việc cần lưu ý, chú trọng trong ngày làm thủ tục dự thi. Trong đó có việc tiếp tục sàng lọc thí sinh diện nghi nhiễm; tập huấn lực lượng coi thi; phổ biến Quy chế thi, nội quy phòng thi. Một trong những nội dung cần đặc biệt quan tâm quán triệt đến thí sinh là: Đề thi thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận.
Ông Lê Mỹ Phong đồng thời lưu ý việc bảo quản bảo đảm an toàn tuyệt đối với đề thi/bài thi tại điểm thi; camera tại phòng lưu giữ đề thi/bài thi cần bảo đảm hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ thi bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời lưu ý 3 vấn đề quan trọng: Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kỳ thi, chuẩn bị kỹ, tuyệt đối không chủ quan; đặc biệt chú ý công tác chuẩn bị (về nhân lực, điều kiện vật chất, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; chuẩn bị về tâm thế, quan điểm trong chỉ đạo điều hành); tăng cường quản lý để giảm thiểu tối đa vi phạm.
Riêng khâu chuẩn bị, Thứ trưởng cho rằng, nhân sự làm thi phải được tập huấn kỹ, nắm vững nghiệp vụ thi; nên có cẩm nang nghiệp vụ cho đội ngũ làm thi để việc thực hiện nhiệm vụ được rõ việc, đúng vai, rõ trách nhiệm; tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Về cơ sở vật chất, Thứ trưởng lưu ý từ việc chuẩn bị điểm thi (điểm thi không nên quá sát nhà dân), phòng thi, phòng thi dự phòng... đến những chi tiết như chuẩn bị máy nổ đề phòng phương án mất điện; kiểm tra, bảo dưỡng quạt điện trong phòng thi tránh xảy ra sự cố...
Về xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi, Thứ trưởng nhấn mạnh các phương án phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; hỗ trợ học sinh khó khăn, học sinh F0; bảo đảm điện cho kỳ thi;…
Chuẩn bị về tâm thế, quan điểm trong chỉ đạo điều hành, Thứ trưởng nhấn mạnh: Phân công cần rõ người, kín việc; trong phối hợp thì nhịp nhàng chặt chẽ; chỉ đạo điều hành thì quyết liệt, dứt điểm.
Đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, giảm thiểu tối đa vi phạm, Thứ trưởng yêu cầu hạn chế tối đa cán bộ, học sinh vi phạm quy chế, tiến tới số lượng vi phạm quy chế bằng không. Muốn thí sinh không vi phạm Quy chế, cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ coi thi tại phòng thi. Cùng với đó, yêu cầu rà soát thật kỹ số học sinh có hoàn cảnh khó khăn; học sinh F0, bảo đảm chặt chẽ về thủ tục để xác nhận F0 đúng người, đúng bệnh. Đồng thời, lưu ý các vấn đề về giao thông, cũng như các khó khăn bất khả kháng do thời tiết, dịch bệnh...
Trước đó, đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại 5 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, gồm: Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc.