Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày với nhiều báo cáo chuyên đề như: An toàn khi sử dụng mạng Internet đối với HSSV của PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH QG Hà Nội), Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong HSSV của Thượng tá Nguyễn Văn Tráng (Bộ Công an)...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, những năm qua công tác GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trường học đã có chuyển biến tích cực. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, hình thức triển khai phong phú, sinh động.
Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng HSSV trong mùa Covid”, phối hợp cùng các chuyên gia xây dựng và tuyên truyền hơn 50 nội dung về phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp để học tập hiệu quả trong thời gian nghỉ dịch cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng cho hay, việc đổi mới nội dung chương trình, hình thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trường học được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo - đã tạo hiệu quả rõ rệt. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường như: Xây dựng nền nếp; quy tắc ứng xử văn hóa; tổ chức hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc; tập thể dục và hoạt động thể thao; tham gia lao động, vệ sinh, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh...
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, việc bố trí cán bộ làm nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV ở một số đơn vị chưa đảm bảo, còn phân tán, nhiều đầu mối. Công tác nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trường học cho HSSV qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính để duy trì, cập nhật thông tin, phân loại, xử lý còn hạn chế.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc mất an toàn trường học, bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, năm học 2020-2021, toàn Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học. Tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Trong đó phát triển theo hướng trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực đầu tư, khảo thí, kiểm định chất lượng; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT.