Dự và chỉ đạo hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo một số Vụ của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ cùng các nhà khoa học, các giảng viên, giáo viên đến từ nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã đánh giá cao sự quan tâm, tham gia của các giáo sư, các nhà khoa học, giáo viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục. Đồng thời, Thứ trưởng đã gợi mở nhiều chủ đề để các đại biểu thảo luận.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Trọng tâm hội thảo tập trung vào vấn đề đổi mới dạy, đào tạo giáo viên phổ thông. Trước kia chúng ta lấy nội dung, kiến thức làm chính và người thầy là kho tàng, là tài sản tri thức. Nhưng, với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay thì vai trò của người thầy phải thay đổi. Chúng ta không chỉ coi học sinh, sinh viên là trung tâm mà cần phải coi là chủ thể của quá trình học tập. Nếu chúng ta chỉ coi học sinh là trung tâm thì việc dạy sẽ hướng vào học sinh, sinh viên. Còn nếu coi học sinh, sinh viên là chủ thể thì việc học của học sinh, sinh viên mới là chính. Chúng ta muốn đổi mới cách dạy của giáo viên phổ thông thì ngay trong trường sư phạm phải áp dụng việc dạy học mới trong hoạt động của giảng viên”.
Ông Hoàng Công Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, đơn vị đồng tổ chức hội thảo chia sẻ: Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo đến từ các Bộ, ngành, các trường địa học, các viện nghiên cứu cùng trao đổi trực tiếp về học thuật, tìm kiếm những cơ hội trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo, đề xuất và lựa chọn các giải pháp cho sự phát triển giáo dục.
Sau phiên toàn thể của hội thảo, các đại biểu được chia làm 2 Tiểu ban thảo luận song song. Trong đó, Tiểu ban 1, thảo luận về quản lí, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và đổi mới giáo dục đại học. Tiểu ban 2, thảo luận về các nghiên cứu, thực tiễn đổi mới quá trình dạy và học trong nhà trường phổ thông.
Các báo cáo ở 2 Tiểu ban đa số đều có chất lượng cao, là kết quả của một quá trình nghiên cứu lí luận và thực tiễn sâu sắc của các nhà khoa học, các thầy cô giáo trên cả nước. Những báo cáo này sẽ góp phần giúp cộng đồng khoa học, các nhà quản lí nắm được thực trạng nghiên cứu lí luận, thực tiễn, những chuyển mình và đổi mới. Nhiều báo cáo đã có hướng nghiên cứu tiếp cận quốc tế về lĩnh vực khoa học giáo dục.
Những kết quả nghiên cứu có thể sử dụng trong quản lí, đào tạo ở đại học nói chung, đào tạo giáo viên nói riêng và cả những đổi mới cho quá trình dạy, học trong nhà trường, trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa.