Vẫn còn nan giải
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song tại nhiều trường học ở các địa bàn miền núi, tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài, đi học không đều sau thời gian nghỉ Tết vẫn còn nan giải, đặt ra bài toán trách nhiệm rất lớn cho những người làm công tác giáo dục địa phương.
Năm học này, Trường THPT số 3 Mường Khương (Lào Cai) có 344 học sinh. Trong đó, có tới 97% là con em đồng bào Mông. Theo thầy giáo Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, những năm trước đây tỷ lệ chuyên cần và số lượng học sinh những ngày đầu trở lại trường sau Tết rất thấp. Tình trạng này có phần cải thiện, song hiện vẫn còn diễn ra. Cụ thể, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái, nhà trường có 6 học sinh nghỉ học.
“Nguyên nhân chính là do lễ hội sau Tết ở các bản làng thường kéo dài. Cùng với đó là tâm lý ngại học, ham chơi của học sinh. Có em sau hội xuân là nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh lại chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình để có sự phối hợp nhắc nhở, huy động con ra lớp đúng lịch”, thầy Thành cho hay.
Bên cạnh đó, theo thầy Thành, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều em tranh thủ đi làm thuê. Có em theo người quen ra khỏi địa bàn để làm các nhóm ngành chân tay. Mặc dù vất vả, song vì có thu nhập trực tiếp nên nhiều em chấp nhận bỏ học.
Thầy giáo Lò Văn Thại, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho rằng, tỷ lệ học sinh nghỉ học sau Tết đa phần tập trung vào bậc THCS bởi các em thường là lao động chính phụ giúp gia đình. Một số em nghỉ học do tác động của hoàn cảnh, lực học yếu và không thích đi học.
Còn theo thầy Đoàn Trọng Tuyển, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tả Ngảo, huyện sìn Hồ (Lai Châu), nguyên nhân chính của thực trạng này là do ảnh hưởng phong tục của một bộ phận đồng bào, thường tham gia các hội vui xuân kéo dài sau Tết. Đa phần lứa tuổi các em còn ham chơi nên chưa muốn đến lớp.
“Mưa dầm thấm lâu”
Văn Bàn là một trong những huyện đi đầu của tỉnh Lào Cai trong thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao về huy động số lượng trẻ trong độ tuổi các cấp học ra lớp. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác, nhiều thành phần dân tộc với nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ chuyên cần của học sinh.
Đặc biệt là sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết cổ truyền, tỉ lệ học sinh đi học vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn cho biết: Từ những năm 2010 trở lại đây, ngành GD&ĐT huyện đã nỗ lực tham mưu chỉ đạo quyết liệt việc duy trì số lượng và chuyên cần của học sinh, trên cơ sở lấy số lượng giao làm nền tảng, tỉ lệ chuyên cần học sinh là mục tiêu. Trong đó, xác định không thể có sự thay đổi vượt bậc trong một sớm, một chiều, mà nhiệm vụ này phải như “cơn mưa dầm thấm lâu”.
“Để duy trì được số lượng và tỷ lệ chuyên cần của học sinh, mỗi nhà trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Cùng với đó là việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện, văn hoá, đảm bảo việc giảng dạy phân hoá theo đối tượng để từng tiết dạy, ngày dạy không còn học sinh khó khăn về nhận thức. Qua đó giúp các em yêu trường, yêu lớp, tự tin đến trường và tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện”, ông Thắng cho hay.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, trên địa bàn không còn tình trạng học sinh nghỉ tự do du xuân. Cha mẹ trẻ đã chấp hành các nội quy, quy định của địa phương để dành điều kiện cho trẻ ăn học. Tỷ lệ chuyên cần những ngày trước và sau Tết đã dần có sự chuyển biến (trung bình 98%).
Còn tại Trường THPT số 3 Mường Khương (Mường Khương, Lào Cai), tỷ lệ chuyên cần ở học kỳ I, năm học 2021 - 2022 đạt 97,35%, tăng 1,85% so với cùng kỳ năm học trước. “Mặc dù tỷ lệ này chưa đạt tuyệt đối, song chúng tôi phấn đấu cải thiện qua mỗi năm, để đảm bảo duy trì số lượng học sinh trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, thầy giáo Hiệu trưởng Lù Văn Thành chia sẻ.
Đối với tỉnh Lai Châu, ngành GD&ĐT địa phương đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo để các cơ sở trường học, thầy, cô giáo có bám sát phần “sườn”, tổ chức triển khai phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại địa bàn. Đặc biệt là trong việc nắm bắt tâm lý của phụ huynh, tư tưởng của học sinh. Đồng thời tìm hiểu phong tục, tập quán cũng như hoàn cảnh học sinh để có biện pháp vận động, tuyên truyền các em đến lớp sau dịp nghỉ Tết.
Cần sự phối hợp “ba nhà”
Đối với Trường PT DTBT Tiểu học - THCS Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu), trước Tết Nguyên đán, mỗi giáo viên đều triển khai nhiều hình thức để nắm rõ hoàn cảnh và tư tưởng từng học sinh. Trên cơ sở đó, có hướng để động viên, tháo gỡ, kèm theo vận động nhắc nhở các em. Tuy nhiên theo thầy Lò Văn Thại, Hiệu trưởng nhà trường, quan trọng nhất là sự phối hợp của cả chính quyền và gia đình.
Ông Hà Đình Nhuận, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: “Về phía phòng, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch huy động học sinh ra lớp ngay sau khi hết kỳ nghỉ Tết. Cùng với đó là các hình thức phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phổ cập, ban vận động học sinh, trưởng bản và những người có uy tín cùng tham gia”.
Cũng theo ông Nhuận, dịp nghỉ Tết năm nay những giáo viên về quê ăn Tết đều được yêu cầu phải chủ động thời gian, để đảm bảo thực hiện cách ly trước thời gian tổ chức các hoạt động giảng dạy. Phòng cũng yêu cầu cơ sở trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian sau Tết để thu hút học sinh đến trường.
Theo thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Mường Khương, trường đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. “Đối với những trường hợp không liên lạc được với phụ huynh, học sinh, trước thời điểm đi học trở lại, chúng tôi sẽ thành lập đoàn vận động cùng với lãnh đạo nhà trường trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương đến từng thôn bản, gia đình”, thầy Thành nói.
Còn tại huyện Văn Bàn, ngành GD&ĐT địa phương đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương các xã, thị trấn quyết liệt trong việc vận động, huy động số lượng học sinh hàng năm và tỷ lệ chuyên cần hàng ngày. Đưa nhiệm vụ này vào một trong những tiêu chí căn bản trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và mục tiêu xây dựng nông thôn mới.