Thời gian thu đối với ô tô con là vào giờ cao điểm sáng và chiều, từ 6 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút với xe tải. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là phương án tình thế và không thể giải quyết được tình trạng kẹt xe.
Vướng mắc về vấn đề pháp lý
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, trước Đà Nẵng, TPHCM và Hà Nội đã có đề xuất thu phí phương tiện giao thông khi vào trung tâm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do luật chưa cho phép. “Hà Nội đang chờ Quốc hội quyết định còn TPHCM thì đang tranh thủ cơ chế đặc thù để trình đề án. Đà Nẵng cũng nên chờ Quốc hội cho phép rồi triển khai thu, chứ nếu dùng cơ chế đặc thù để xin thực hiện đề án thì rất lãng phí. Bởi vì có nhiều vấn đề lớn lao, tạo sự phát triển mạnh mẽ cho cả thành phố hơn là vấn đề thu phí này” – ông Tiếng phân tích.
Ông Tiếng cho rằng, tình trạng kẹt xe, ùn tắc phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Phần khác là do thiếu bãi đỗ xe, buộc phải đỗ xe dưới lòng đường. “Nâng cao văn hóa giao thông cho người dân mới là quan trọng, kèm theo đó phải tăng cường xây dựng bãi đỗ xe công cộng, phân luồng giao thông hợp lý, tổ chức hệ thống giao thông công cộng hiện đại mới là thượng sách” – ông Tiếng khẳng định.
Cũng có cùng quan điểm cho rằng chưa có căn cứ pháp lý để thu phí chống ùn tắc, ông Trần Văn Thiết – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng nêu vấn đề: “Nếu người dân mất tiền đóng phí mà vẫn tái diễn kẹt xe thì ai chịu trách nhiệm?”.
GS.TS Trần Văn Nam – Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, các nước tiên tiến thu phí vào trung tâm vì chủ yếu là ô tô tham gia giao thông. “Kẹt xe ở Việt Nam không phải chỉ do ô tô mà còn do xe máy. Chúng ta đang muốn phát triển công nghiệp ô tô, đây cũng là nguồn thu thuế mà lại tìm mọi cách để kiềm xe ô tô lại là không nên. Đà Nẵng cần thực hiện những biện pháp ít chi phí hơn như tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, tổ chức lại các nút giao thông...” – GS.TS Trần Văn Nam đề xuất.
Giải pháp cuối cùng
Đại diện cho các doanh nghiệp, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố cho rằng, nếu đề án thu phí này được thông qua và triển khai thì chi phí xã hội sẽ tăng, trong đó có chi phí vốn, chi phí kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp… Ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Minh Trinh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hải Châu cho rằng, ở quận này có rất nhiều đường hẻm, kiệt dẫn vào trung tâm thành phố.
Nếu đặt trạm thu phí ở đường lớn thì xe máy, thậm chí là cả ô tô có thể “lách” trạm bằng các lối đi này, sẽ gây ùn tắc, thậm chí mất an toàn giao thông ở những khu vực đó. “Lúc đó, chúng ta có phương án nào để tránh tình trạng này? Hơn nữa, những người dân sống trong khu vực trung tâm thành phố sẽ phải ra vào thường xuyên, vậy họ phải nộp phí liên tục hay có chính sách nào dành riêng cho họ?”, ông Trinh nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Tiến Thành – Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, việc áp dụng đề án thu phí phương tiện giao thông vào nội đô để tránh ùn tắc trong thời điểm này là chưa phù hợp. “Thu phí chỉ là biện pháp sau cùng khi chúng ta không còn kiểm soát được tình trạng kẹt xe.
Đề án cũng cần được nghiên cứu như là việc chuẩn bị trước các giải pháp để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông. Thành phố đã làm tốt việc phân luồng xe 30 chỗ vào trung tâm, nhưng việc phát triển các bãi đỗ xe thì còn rất chậm so với nhu cầu. Trong khi đó, chỉ cần không có xe đậu ở lòng đường, chúng ta đã có thêm được một làn đường để tránh ùn tắc”, ông Thành nói.
Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho rằng, việc thu phí các phương tiện giao thông khi đi vào nội đô là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Chính vì vậy, để triển khai thì cần phải có sự đồng thuận của người dân, sự tương thích với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.