Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư: Bảo đảm lợi ích người dân

GD&TĐ - Theo ý kiến của giới chuyên gia, mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp hơn mức phí các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).

Mức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí quản lý, bảo trì.
Mức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí quản lý, bảo trì.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp hơn mức phí các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), phù hợp với khả năng chi trả của người dân…

Loại trừ các thuế, phí liên quan

Nghị định 130/2024/NĐ-CP mới được ban hành quy định về việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Theo quy định, đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí khi đáp ứng các điều kiện:

Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; có đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các tuyến cao tốc đã có quyết định chủ trương đầu tư trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ, việc thu phí chỉ được triển khai sau khi hoàn thành xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí và các thiết bị phục vụ việc thu phí.

Hiện tại, các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư được chia thành hai nhóm: Nhóm đáp ứng quy chuẩn hiện hành (có tối thiểu 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liền mạch) và nhóm chưa đạt chuẩn, trong đó hầu hết là các tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam.

Mức phí áp dụng cho từng tuyến cao tốc cụ thể sẽ được xác định trong đề án khai thác tài sản do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, mức phí sử dụng đường cao tốc cũng sẽ được chia thành 2 mức. Người sử dụng đường cao tốc đạt chuẩn sẽ nộp theo mức 1 và sử dụng cao tốc chưa đạt chuẩn nộp theo mức 2.

Nghị định này cũng chia các phương tiện phải chịu phí thành 5 nhóm. Nhóm 1 gồm: Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, và xe buýt vận tải khách công cộng. Nhóm 2: Xe từ 12 - 30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn. Nhóm 3: Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn. Nhóm 4: Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe container dưới 40 feet. Nhóm 5: Xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container từ 40 feet trở lên.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định 10 nhóm đối tượng được miễn phí sử dụng đường cao tốc, bao gồm: Xe cứu thương, xe chữa cháy, xe phục vụ quốc phòng, xe của lực lượng công an, xe phục vụ tang lễ, đoàn xe có cảnh sát giao thông dẫn đường, xe quốc phòng tham gia diễn tập, xe làm nhiệm vụ bảo vệ đê điều, xe vận chuyển thuốc men, thiết bị đến vùng bị thảm họa hoặc dịch bệnh.

thu-phi-cao-toc-nha-nuoc-dau-tu-bao-dam-loi-ich-nguoi-dan-5126-2674.png
Biểu mức phí sử dụng đường bộ cao tốc trong Nghị định số 130/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Mức phí phù hợp

Tán thành việc trả phí khi đi trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, anh Trần Đình Quân (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, ở một số quốc gia, đường cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư thì người dân được hưởng lợi.

“Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế còn eo hẹp, thiếu kinh phí để mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, thì việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hợp lý”, anh Quân chia sẻ.

Khi đường cao tốc đưa vào sử dụng, người dân và doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng lợi vì rút ngắn thời gian, chi phí đi lại. Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Bách, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội cho rằng, khi tiến hành thu phí, cần lưu ý mức phí và thời gian thu nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với doanh nghiệp, người dân.

“Phí thu nên ở mức tương đối, thời gian thu cần kéo dài để không tạo gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp. Bởi hiện nay, giá cước vận tải của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước khác chưa kể các doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều loại thuế, phí khác”, ông Bách phân tích.

Theo Bộ GTVT, số tiền thu phí đường cao tốc nộp về ngân sách Nhà nước sẽ góp phần đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Với mức phí đề xuất như trên, dự kiến sau khi thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác (đủ điều kiện thu phí), số phí thu được là 3.210 tỉ đồng/năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.

Nhìn nhận về vấn đề thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mức phí cao tốc do Nhà nước đưa ra được tính toán trên nhiều yếu tố như: Đảm bảo hài hòa phân bố phương tiện giữa đường hiện hữu và đường cao tốc, theo các quy định về phí, lệ phí và đặc biệt là phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Quyền, Nhà nước đầu tư cao tốc không phải chịu lãi suất vay ngân hàng. Quan trọng hơn, Nhà nước không tính lợi nhuận trong đầu tư. Mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư được đưa ra thấp hơn mức phí đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT là phù hợp, không tác động nhiều đến chi phí vận tải của doanh nghiệp.

12 cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác dự kiến sẽ thu phí gồm: Kim Thành - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.