'Thủ phạm' khiến cụ bà ho kéo dài nhiều tuần

GD&TĐ - Bệnh nhân 79 tuổi bị ho kéo dài nhiều tuần không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ phát hiện, 'thủ phạm' là đoạn dây kim loại kẹt sâu trong amidan trái.

Dị vật đường tiêu hóa trên có thể “ẩn mình” trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng. Ảnh: BVCC.
Dị vật đường tiêu hóa trên có thể “ẩn mình” trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân N.T. T, 79 tuổi (Nam Định), nhập viện vì tình trạng ho kéo dài nhiều tuần không rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân không sốt, không đau họng, không có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, chỉ cảm thấy đau vùng mang tai trái mỗi khi nuốt.

Trước đó, bệnh nhân tự điều trị bằng nhiều loại thuốc ho nhưng không đỡ, tình trạng kéo dài gây mệt mỏi, ăn uống kém và mất ngủ. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định nội soi tai mũi họng để tìm nguyên nhân sâu hơn.

Kết quả cho thấy có một dị vật kim loại nhỏ, sắc, cong nhẹ nằm sâu trong khe amidan trái. Đây là vị trí rất khó quan sát bằng mắt thường. Dị vật được lấy ra nhẹ nhàng qua nội soi mà không gây tổn thương hay chảy máu.

Theo bác sĩ Trịnh Thùy Liên – chuyên khoa Tai Mũi Họng, dị vật đường tiêu hóa trên, đặc biệt là những dị vật nhỏ và sắc nhọn, có thể “ẩn mình” trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng.

Đặc biệt ở người cao tuổi, do phản xạ nuốt và ho suy giảm, việc phát hiện dị vật trở nên khó khăn hơn. Các biểu hiện như ho kéo dài, cảm giác vướng họng hay nghẹn khi nuốt – dù nhẹ – đều có thể là dấu hiệu cảnh báo dị vật hoặc tổn thương vùng hầu họng.

Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, dị vật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm loét, áp xe, thủng thực quản, nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ lưu ý, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đeo răng giả hoặc có bệnh lý thần kinh là những nhóm dễ nuốt phải dị vật mà không biết. Thói quen ăn vội, nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa trong lúc ăn cũng làm tăng nguy cơ.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ có biểu hiện mơ hồ như ho kéo dài sau ăn, cảm giác vướng nhẹ trong cổ họng mà không thấy đau rát hay khó nuốt. Đây là những triệu chứng dễ bị bỏ qua.

Để phòng tránh tai nạn do dị vật đường tiêu hóa, người dân nên ăn chậm, nhai kỹ, đặc biệt là khi ăn những món dễ lẫn xương. Tránh nói chuyện, cười đùa trong lúc ăn.

Với người cao tuổi và trẻ nhỏ, cần kiểm tra kỹ thức ăn trước khi ăn. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường như ho kéo dài, đau một bên tai khi nuốt, hay cảm giác vướng vùng họng, người bệnh nên đi khám sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi.

Mỹ và Iran đã đàm phán những gì?

GD&TĐ - Theo Reuters, Iran đã trao đổi trực tiếp với phía Mỹ trong cuộc đàm phán ở Oman về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân.