Thủ phạm dài 10 cm khiến mắt người phụ nữ bị mờ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người phụ nữ nhìn mờ và có triệu chứng đau mắt đã đến bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện một con giun trong mắt của người bệnh.

Con giun dài 10cm được bác sĩ gắp ra khỏi mắt của người bệnh
Con giun dài 10cm được bác sĩ gắp ra khỏi mắt của người bệnh

Mới đây Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã gắp 1 con giun dài 10cm còn sống trong mắt nữ bệnh nhân quê huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng).

Theo thông tin ban đầu, nữ bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với triệu chứng đau mắt, cộm, nhìn mờ.

Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ phát hiện có một con giun trong mắt của người bệnh. Ngay sau đó, bác sĩ đã cẩn trọng dùng dụng cụ chuyên dụng và gắp được con giun sán ra ngoài.

Cũng theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, nguyên nhân khiến người bệnh mắc giun, sán có thể từ đồ ăn, tay chân tiếp xúc với ấu trùng hoặc cũng có thể bị lây từ chó, mèo.

Trường hợp mọi người bị những dấu hiệu mờ mắt do nhiễm giun, sán như: Mờ mắt kéo dài không rõ nguyên nhân, mờ mắt có tính chất tái đi tái lại hoặc mờ mắt nhưng không đau, không viêm đỏ; mắt cộm, ngứa mắt, nhìn mờ cảm giác như nhìn qua sương mù, nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay) và đôi khi kèm theo dấu hiệu toàn thân mệt mỏi, mẩn ngứa da, nổi mề đay dị ứng... cần đến các cơ sở y tế, chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ngày nay, khi đời sống được nâng cao, bệnh nhiễm ký sinh trùng tưởng như hiếm gặp, nhưng thực tế vẫn có những câu chuyện khiến nhiều người khó tin.

Như gần đây, một bệnh nhân nữ (29 tuổi) đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với thể trạng gầy yếu (32kg), cơ thể nhợt nhạt, yếu ớt, đi ngoài trên 20 lần/ngày, phân vàng lỏng, có khi phân đen… Kèm theo hội chứng thận hư, đái tháo đường type 2, bệnh nhân có biểu hiện sốc do xuất huyết tiêu hóa.

Nghi ngờ tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể do nhiễm ký sinh trùng, các bác sĩ đã lấy mẫu ở tá tràng để sinh thiết… Gần 1 tuần sau, kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy có hình ảnh ấu trùng giun lươn. Ngoài ra kết quả sinh học phân tử cho thấy bệnh nhân còn nhiễm một loại virus cơ hội CMV (là virus thuộc họ Herpesviridae hoặc Herpesviruses).

Trao đổi với báo chí, BS. Phạm Thị Việt Anh Phó Trưởng khoa nội tiêu hóa – Bệnh viện 198 cho biết, khi bị nhiễm giun sán, thông thường bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên trong những trường hợp nhiễm giun sán mà có những biến chứng nặng như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ống dẫn mật, nhiễm trùng ống dẫn mật, viêm tụy tạng, xơ gan cổ trướng, u gan, áp-xe gan... thì cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế.

Để phòng ngừa bệnh giun sán, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun sán theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; Đảm bảo ăn chín, uống sôi, không nên ăn đồ tái, sống; Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm; Giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ… Khi có các triệu chứng nhiễm giun sán cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS. Phạm Thị Việt Anh khuyến cáo.

Theo Thanh Niên, Sức khoẻ và đời sống

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ