Thu ngân sách năm 2022 vượt 407.000 tỷ đồng so với dự toán

GD&TĐ - Theo báo cáo quyết toán ngân sách 2022 của Chính phủ, việc thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 1,82 triệu tỷ đồng, vượt gần 407.000 tỷ đồng so với dự toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Chiều 30/5, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước, trình Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán về ngân sách Nhà nước năm 2022.

Theo báo cáo quyết toán ngân sách 2022 của Chính phủ, việc thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 1,82 triệu tỷ đồng, vượt gần 407.000 tỷ so với dự toán giao.

Trong đó, riêng thu dầu thô vượt 177% dự toán do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán. Dự kiến, sản lượng dầu của PVN thấp so với khả năng thực hiện.

Tuy vậy, báo cáo cho thấy còn một số khoản thu đạt thấp, như thuế bảo vệ môi trường đạt hơn 72% dự toán.

Khoản thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng Nhà nước đạt 83,5% dự toán do số thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt gần 13% dự toán giao.

Qua kiểm toán quyết toán ngân sách 2022, Kiểm toán Nhà nước nhận xét còn tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí… Cơ quan kiểm toán kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 3.800 tỷ đồng.

Việc quản lý thu của các cơ quan thuế còn hạn chế, như: Chưa kiểm tra đủ các loại hồ sơ khai thuế với người nộp; chưa quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử với các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tình trạng cơ quan quản lý chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm.

Chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định.

Thậm chí, còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.

Về quản lý nợ thuế, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 tăng 36% so với năm 2021, đạt gần 159.000 tỷ đồng.

Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao.

Việc khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019, ngành Thuế đã khoanh nợ gần 705.000 người nộp thuế, số tiền gần 28.400 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 390.074 người nộp thuế, số tiền gần 8.800 tỷ đồng.

Tuy vậy, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng khoanh, xóa chưa phù hợp. Một số trường hợp người nộp thuế có ngày thay đổi thông tin gần nhất sau ngày cơ quan hải quan ban hành quyết định khoanh nợ.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị cơ quan Thuế, Hải quan rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế để xử lý theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ