Giành học bổng Thạc sĩ
Nguyễn Huy Thành Nam (22 tuổi, quê Thanh Hóa), cựu sinh viên K60, Kinh tế tài nguyên, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tốt nghiệp loại xuất sắc với 3.6/4 (tương đương 8.54/10 điểm).
Số điểm này đã giúp chàng trai quê Thanh Hóa trở thành thủ khoa chuyên ngành Kinh tế tài nguyên, đại diện cho gần 3.000 tân cử nhân phát biểu trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp đợt cuối tháng 7 vừa qua.
Nhớ lại khoảnh khắc được vinh danh trong buổi lễ tốt nghiệp, Thành Nam hồ hởi: “Giây phút ấy mình cảm thấy rất vui vì đã hoàn thành chặng đường 4 năm đại học để đến được ngày hôm nay.
Khi được đại diện cho các tân cử nhân phát biểu, mình cũng có đôi chút hồi hộp vì sợ sẽ không truyền đạt hết tâm tư, nguyện vọng của các sinh viên cũng như sự tri ân tới thầy, cô giáo và đặc biệt là bậc phụ huynh luôn đồng hành suốt những năm tháng qua”.
Dù chưa thực sự hài lòng với điểm số đạt được song Thành Nam quan niệm rằng, trong suốt 4 năm đại học việc học là vô cùng quan trọng nhưng những trải nghiệm có được ở quãng đời sinh viên vô cùng bổ ích. Do đó, chàng trai Thanh Hóa luôn hài hòa giữa việc học và giải lao, trải nghiệm…
“Là một người hướng ngoại, nên mình rất năng nổ tham gia các hoạt động của Liên Chi đoàn, Liên Chi hội sinh viên của khoa, trường và cả những câu lạc bộ. Tham gia các hoạt động này giúp mình có thêm trải nghiệm cùng những người bạn mới. Tất cả điều đó giúp thời sinh viên của mình thêm phong phú và đáng nhớ hơn”, Thành Nam cởi mở.
Thành Nam (giữa) tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành thủ khoa chuyên ngành Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Thành Nam còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu gần nhất của chàng trai xứ Thanh đã xuất sắc đoạt giải Nhì của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bên cạnh đó, Thành Nam còn đóng góp nhiều bài nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của khoa.
Đặc biệt là bài viết bằng tiếng Anh đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “Các vấn đề về kinh tế - xã hội và môi trường trong phát triển” Iseed 15th do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại học Khon Kaen (Thái Lan) tổ chức.
Với thành tích học tập xuất sắc, Thành Nam vinh dự được nhận học bổng Thạc sĩ giảm 50% học phí của Viện đào tạo sau đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, Thành Nam cho biết, hiện vẫn chưa có ý định học luôn Thạc sĩ, mà sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình ngành học thứ 2 là Tài chính doanh nghiệp.
“Dự định sẽ du học Thạc sĩ tại Châu Âu, tuy nhiên thời gian này mình muốn dành thời gian hoàn thành ngành học kép. Sau đó, sẽ xin làm việc tại một vài doanh nghiệp để trau dồi kinh nghiệm và triển khai thêm một số đề tài nghiên cứu khoa học”, Nam bộc bạch.
Cần xác định được mục tiêu
Với các bạn tân sinh viên, lời khuyên để giảm tải áp lực khi mới bước vào môi trường mới, theo Thành Nam đó là: cần xác định được mục tiêu của bản thân. Khi đã xác định được mục tiêu, các bạn sẽ sắp xếp được thời gian một cách hợp lý và tránh được những áp lực không cần thiết.
Chàng thủ khoa ngành Kinh tế tài nguyên cũng cho rằng, môi trường đại học sẽ hoàn toàn khác so với những bậc học dưới. Ở môi trường này thầy, cô giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, vì vậy sinh viên cần phải dành thời gian tự học, tự nghiên cứu nhiều.
Thành Nam bên bạn bè sau buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp dịp cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Thời sinh viên ngoài việc học thì những trải nghiệm cũng vô cùng quý giá. Vì vậy, việc học quá nhiều để biến mình thành 'mọt sách' là điều không tốt chút nào. Thay vào đó, các bạn nên tối ưu hóa bằng việc chăm chú nghe thầy, cô giảng bài trên lớp và tăng dần thời gian tự học, tự nghiên cứu.
Nếu có thể, các bạn nên dành từ 1- 2 buổi mỗi tuần để lên thư viện đọc sách. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã xây dựng thư viện điện tử giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với nguồn tài nguyên trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, các bạn nên chủ động để mở mang kiến thức”, Thành Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thành Nam cho rằng để giảm tải áp lực học hành, các bạn tân sinh viên có thể dành một vài buổi trong tuần để tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoặc đi thực tế hay tham gia vào các câu lạc bộ,… Đây là cơ hội tuyệt vời để giao lưu kết nối, có thêm những mối quan hệ mới…
“Một lời khuyên khá quan trọng nữa, mà theo mình đó là: các bạn tân sinh viên nếu có thể nên chú trọng học ngoại ngữ. Bởi vì, ở trong thế giới ngày càng hội nhập và phát triển, việc học ngoại ngữ cũng trở nên khá quan trọng nhưng không phải là để chứng tỏ mình với ai, mà là để tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài nguyên của thế giới”, Thành Nam lý giải.
“Cuộc sống thì chắc hẳn ai cũng có ước mơ và hoài bão. Với bản thân mình, sau khi học xong Thạc sĩ, mình mong muốn được trở về Việt Nam. Cũng hy vọng rằng, bản thân sẽ nỗ lực để góp sức một phần cho quê hương ngày càng phát triển, giúp cho thế hệ tương lai sau này có được môi trường sống tốt để tiếp tục học và cống hiến”, Thành Nam chia sẻ.