Thủ khoa đầu vào Trường ĐH Phenikaa mách nước 'đua nước rút' ôn thi TN THPT

GD&TĐ - Để bản thân không bị động khi ôn thi giai đoạn nước rút, Phương Thảo học đến đâu chắc đến đó, tích cực luyện đề tăng khả năng phản xạ nhanh.

Phương Thảo trở thành thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh NVCC.
Phương Thảo trở thành thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh NVCC.

Lập kế hoạch học tập rõ ràng

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Nguyễn Phương Thảo đạt 26,9 điểm khối D00 (môn tiếng Anh 9,3 điểm; môn Ngữ văn 9 điểm và môn Toán 8,6 điểm). Với thành tích đó, Phương Thảo trở thành thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội).

Phương Thảo chia sẻ: “Ngay từ khi bước vào lớp 10, em đã xác định bản thân phải nỗ lực học tập đặc biệt học đến đâu chắc đến đó. Riêng lớp 12 tập trung cao độ để ba tháng cuối cùng trước kỳ thi có thời gian tập trung luyện đề và học cách phản xạ nhanh với các câu hỏi trong đề thi’.

Bên cạnh đó, nữ thủ khoa cũng xây dựng thời khoá biểu học tập trong ngày của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển đại học. Cụ thể, sáng sớm sẽ thức dậy học môn Ngữ văn, buổi chiều ôn môn Toán và buổi tối học môn tiếng Anh.

Với môn Ngữ văn, thi bằng hình thức tự luận, Phương Thảo ôn theo sơ đồ tư duy hoặc lập dàn ý. Đặc biệt, ghi chú lại những phần trọng tâm của bài học được thầy cô lưu ý để về nhà sắp xếp thông tin đó thành dàn ý hoặc sơ đồ tư duy của riêng mình.

“Bằng cách này, em có thể tập trung vào từng đoạn chính và nội dung quan trọng trong từng bài một cách cụ thể. Mỗi khi đọc đề, em sẽ hình dung ra với đề bài này cần những ý gì, từ đó em tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc và tự tin hơn”, Phương Thảo chia sẻ và cho biết thêm phương pháp học này cũng giúp em nâng cao kỹ năng đọc hiểu, phân tích văn bản, nhớ lâu hơn, nắm chắc kiến thức và linh hoạt trong các dạng đề.

Với môn Toán, Phương Thảo tập trung vào việc nắm chắc kiến thức cơ bản để vận dụng vào làm các dạng bài, đảm bảo có thể giành được điểm tối đa ở phần câu hỏi kiến thức cơ bản.

“Ở câu vận dụng không quá khó nhưng rất dễ bị nhầm nên cần làm cẩn thận, còn những câu vận dụng cao kết hợp rất nhiều kiến thức yêu cầu phải làm nhiều dạng bài và hiểu sâu vấn đề, cố gắng quá trình làm bài không để trống đáp án”, Phương Thảo lưu ý.

Với môn tiếng Anh, ngoài kiến thức ngữ pháp, Phương Thảo đầu tư thời gian nhiều để học từ mới nhằm hiểu rõ vấn đề. Song song với đó, em thường xuyên nghe đài, đọc báo nước ngoài để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và bổ sung thêm lượng từ mới, các vấn đề thời sự có thể được đề cập vào câu hỏi bài thi.

Nguyễn Phương Thảo, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa chia sẻ. Ảnh NVCC.

Nguyễn Phương Thảo, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa chia sẻ. Ảnh NVCC.

“Trong quá trình luyện đề, em thường bấm giờ như mình đang làm đề thi thật, phân chia chia thời gian hợp lý để làm từ câu cơ bản đến những câu nâng cao. Để không tốn thời gian, câu nào chưa biết cách giải em sẽ đánh dấu lại để làm câu khác rồi sau mới quay lại để suy nghĩ thêm. Cách làm này, bạn sẽ không bị rối, lo sợ về áp lực thời gian mà bị bỏ lại quá nhiều câu”, Phương Thảo cho biết.

“Trong giai đoạn gấp rút này, em muốn khuyên các sĩ tử hãy cố gắng hết sức, làm thật nhiều đề thi của những năm trước hoặc dạng đề liên quan, điều này sẽ tăng khả năng phản xạ với các dạng bài tập có những bài chỉ cần đọc đề là ra đáp án”, Nguyễn Phương Thảo, thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phenikaa chia sẻ.

Giữ sức khoẻ, ổn định tâm lý phòng thi

Không chỉ chú trọng vào học, Phương Thảo luôn cố gắng giữ sức bền trong “cuộc chạy đua” đến với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, giai đoạn nước rút, nữ thủ khoa cũng chú trọng vào việc giữ sức khoẻ.

Ngoài việc học, Phương thảo còn dành một khoảng thời gian để tập thể dục, nghỉ ngơi lấy lại sức và giảm căng thẳng, áp lực trong quá trình ôn thi. Theo Phương Thảo giai đoạn này, sĩ tử không nên thức tới 2-3 giờ sáng để học, đừng cố ép bản thân học khi mình mệt mỏi.

“Giai đoạn gần ngày thi vô cùng quan trọng, theo đó phụ huynh cũng nên dành thời gian để động viên, hỗ trợ sĩ tử. Nhiều bạn sẽ bị áp lực, cha mẹ nên tinh ý để động viên, tư vấn không tạo thêm áp lực hay bắt ép quá mức dẫn đến các bạn hoang mang, hiệu quả học tập không cao”, Phương Thảo nói.

Kỳ thi sắp đến gần, Phương Thảo cũng gửi lời chúc đến các sĩ tử tự tin, nỗ lực hết sức mình để đạt được kết quả như các bạn mong muốn. Các bạn hãy xem kỳ thi tốt nghiệp THPT là trải nghiệm hạnh phúc, đáng nhớ của đời học sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.

Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.